Ngày 26/7/2017, Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 34-NQ/HNDTW, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VI) về thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm. Mục tiêu của Nghị quyết là: Nắm chắc tình hình khó khăn, bức xúc trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, đời sống nông dân để báo cáo, phản ảnh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời tháo gỡ, giải quyết thỏa đáng, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân. Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp, nhà khoa học tạo nhiều nguồn lực hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đẩy mạnh việc xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết, hợp tác, hiệu quả bền vững, gắn với xây dựng mô hình chi, tổ Hội nghề nghiệp để thu hút, tập hợp, đoàn kết nông dân, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Nghị quyết đã đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện, đó là:
Nhiệm vụ 1 là: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân
Tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền để nông dân nắm chắc hiểu sâu về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc chấp hành và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đồng thời tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Thường xuyên nắm chắc đầy đủ về tình hình khó khăn, bức xúc của nông dân như: Thiên tai, lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi; biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản trái phép; tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn gia súc, gia cầm giả, kém chất lượng, thực phẩm không đảm bảo an toàn, thông tin thất thiệt, tín dụng đen, lợi dụng bán hàng đa cấp lừa đảo, nông dân phải đóng nhiều khoản sai với quy định, vi phạm Quy chế dân chủ ở cơ sở, khiếu kiện… để kiến nghị với Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng để có giải pháp tháo gỡ khó khăn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho nông dân.
Tích cực đối thoại với nông dân để nắm bắt, tổng hợp tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của nông dân từ đó phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền cùng cấp và đề xuất các giải pháp để giải quyết.
Tích cực tham gia và đề xuất cơ chế, chính sách với Đảng và Nhà nước về những vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và đời sống nông dân.
Đề xuất, kiến nghị xây dựng Luật nông dân nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân. Đồng thời để nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của nông dân trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Nhiệm vụ 2 là: Tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và đào tạo nghề giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập và đời sống.
Tích cực, chủ động triển khai thực hiện các chương trình phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách – Xã hội và các ngân hàng thương mại và đẩy mạnh phát triển nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Thực hiện tốt những chương trình đã ký kết với các cơ quan Trung ương, các ngành ở địa phương, doanh nghiệp và chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp trong và ngoài nước để ký kết nhằm huy động các nguồn lực như: vốn, máy thiết bị phục vụ nông nghiệp và các loại vật tư nông nghiệp… để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.
Phối hợp với các doanh nghiệp, các địa phương tổ chức Hội chợ nông nghiệp – thương mại; phát triển mở rộng Sàn kết nối cung- cầu lương thực, thực phẩm; làm tốt việc chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu, để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Tổ chức tôn vinh nông dân với công nghệ thông tin, thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông, ý tưởng nhà nông, tôn vinh sản phẩm nông nghiệp, tôn vinh nông dân xuất sắc, nhân rộng các điển hình sáng tạo của nông dân.
Đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý giúp nông dân nắm chắc, hiểu đúng pháp luật để tham gia liên doanh, liên kết, hợp tác có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học, các doanh nghiệp để đào tạo nghề cho nông dân. Tập trung đào tạo về kỹ năng, kiến thức, tay nghề, cách thức tổ chức sản xuất, hạch toán, quyết toán trong sản xuất, kinh doanh, định hướng, dẫn dắt nông dân trở thành nông dân chuyên nghiệp, làm chủ trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Nhiệm vụ 3 là: Xây dựng phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn.
Tập trung các nguồn lực hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; tập trung bồi dưỡng những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt để xây dựng mô hình và để trở thành tổ trưởng tổ hợp tác và giám đốc hợp tác xã nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, bền vững.
Vận động, hướng dẫn nông dân liên kết, hợp tác theo các nhóm hộ với nhau để sản xuất cùng một loại sản phẩm theo hướng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Hội Nông dân phải là trung tâm để kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp, liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa hai bên.
Phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ nông dân khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm khơi dậy ý tưởng sáng tạo của nông dân để khai thác tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.
Gắn mô hình sản xuất đồng thời với xây dựng chi, tổ Hội theo nghề nghiệp thuận lợi cho việc sinh hoạt, hoạt động, nhằm xây dựng tổ chức Hội vững mạnh đáp ứng yêu cầu là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Tấn Phước (Hội Nông dân tỉnh)