HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
* Hà Nội, ngày 05 tháng 8 năm 2019
Số 04 – NQ/HNDTW
NGHỊ QUYẾT
Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khoá VII) về đẩy mạnh
xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp
I. TÌNH HÌNH KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 24
1. Kết quả
Qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án số 24/HNDTW ngày 23/6/2016 của Ban Thường vụ Trung ương Hội về xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, đến ngày 30/6/2019 các cấp Hội đã thành lập được 683 chi Hội Nông dân nghề nghiệp, với 33.700 hội viên tham gia; 15.106 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, với 289.809 hội viên tham gia; chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp đi vào hoạt động hiệu quả, nền nếp, thiết thực, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của hội viên nông dân, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên theo mô hình hoạt động ba loại hình chi Hội Nông dân – hợp tác xã – doanh nghiệp trong một chi Hội Nông dân.
Chi Hội Nông dân nghề nghiệp là đơn vị hành động, cầu nối của ban chấp hành tổ chức cơ sở Hội với tổ Hội Nông dân nghề nghiệp và hội viên nông dân, được tổ chức theo thôn, bản, làng, khu phố, hợp tác xã và theo nghề nghiệp. Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp là đơn vị dưới chi Hội Nông dân nghề nghiệp. Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp tập hợp những hội viên cùng chí hướng, cùng sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm ngày càng có chất lượng theo chuỗi giá trị, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam vì mục tiêu chiến lược phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Mô hình chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp thể hiện sự đổi mới phương thức tập hợp hội viên, khắc phục được phần lớn những nhược điểm, hạn chế, khó khăn, yếu kém trong sinh hoạt chi Hội, tổ Hội trong nhiều năm qua, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Hội ngày càng vững mạnh, tăng cường sự gắn kết giữa hội viên với tổ chức Hội và tính tiên phong của chi hội trưởng, từng bước nâng cao năng lực tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản. Công tác Hội và phong trào nông dân có bước phát triển mới về cách thức tuyên truyền, vận động, đoàn kết nông dân; cán bộ của Hội có sự trưởng thành, có khả năng tham gia sâu hơn vào nhiệm vụ phát triển kinh tế ở địa phương; an ninh trật tự ở nông thôn được giữ vững; hội viên nông dân gắn bó hơn với tổ chức Hội; thu nhập và mức sống của hội viên chi Hội Nông dân nghề nghiệp cao hơn hẳn so với hội viên sinh hoạt ở chi Hội truyền thống.
2. Hạn chế, yếu kém
Một bộ phận cán bộ Hội nhận thức chưa sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, thiếu hướng dẫn giúp đỡ cơ sở. Năng lực tổ chức, sự liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị còn hạn chế, phương pháp và kỹ năng công tác của cán bộ Hội cơ sở và chi Hội trưởng, tổ trưởng tổ Hội Nông dân nghề nghiệp chưa được các cấp Hội tập huấn.
II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU
1. Quan điểm.
Đẩy mạnh xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Hội ở cở sở nhằm nâng cao năng lực cho hội viên nông dân trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động sẽ phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp sẽ góp phần xây dựng mẫu hình người nông dân thế hệ mới xuất sắc, tiêu biểu, đổi mới, nâng cao tư duy tự lực, tự thân, năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, có khả năng dẫn dắt đông đảo hội viên nông dân cùng phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cho gia đình và quê hương, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
2. Mục tiêu.
2.1. Mục tiêu tổng quát.
Nâng cao nhận thức của các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích và trách nhiệm trong việc xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp vì mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp nhằm khắc phục những hạn chế yếu kém trong hoạt động của Hội, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển hội viên, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và giá trị nông sản, khả năng tổ chức sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá, phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.
Xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp để tạo lập nhanh các yếu tố tiền đề thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
2.2. Mục tiêu cụ thể.
(1) 100% cán bộ, hội viên, nông dân được tuyên truyền, nhận thức đúng về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp vì mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
(2) Hằng năm, mỗi Hội Nông dân cấp huyện chỉ đạo thành lập mới được 01 chi Hội Nông dân nghề nghiệp trở lên.
(3) Hằng năm, mỗi cơ sở Hội thành lập mới được 2 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trở lên.
(4) Hằng năm, mỗi Hội Nông dân cấp huyện hướng dẫn thành lập mới được 1 hợp tác xã, mỗi cơ sở Hội hướng dẫn thành lập mới được 2 tổ hợp tác trở lên trên cơ sở phát triển từ chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
(5) Phấn đấu đến năm 2023, thành lập được chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp ở 50% các hợp tác xã, tổ hợp tác tại địa phương.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, chỉ đạo để nâng cao nhận thức và nâng cao năng lực trí tuệ về xây dựng chi HộiNông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
Tiếp tục phổ biến, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Kết luận số 62 – KL/TW, ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội; nắm chắc tư tưởng nông vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện sáng tạo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trong giai đoạn mới để tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam, nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, củng cố niềm tin, tạo sự thống nhất về tư tưởng và nhận thức trong cán bộ, hội viên, nông dân góp phần xây dựng và hình thành mẫu hình người nông dân thế hệ mới trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn phương thức triển khai thực hiện ở các cấp Hội. Tăng cường cán bộ chỉ đạo ở những địa bàn khó khăn, phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể.
Lựa chọn điểm, tập trung nguồn lực xây dựng mô hình, tổ chức kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, đồng thời động viên khen thưởng, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả tạo sức lan tỏa trong toàn hệ thống.
2. Đẩy mạnh thành lập chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp mới trong các thôn, bản, khu vực dân cư, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, đơn vị.
Chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở trong việc lựa chọn, phát huy thế mạnh ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của địa phương để xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phù hợp, đảm bảo theo tiêu chí 5 cùng: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Chú trọng xây dựng những mô hình, dự án đang được đầu tư vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức tài chính, tín dụng khác; các chương trình, dự án hỗ trợ của Hội Nông dân và các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan ở trên địa bàn sáu vùng chiến lược về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh.
Lấy hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt để xây dựng các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp gắn với xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới.
Phát huy vai trò của lực lượng trí thức trẻ, cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ được đào tạo có mong muốn, nguyện vọng và nhiệt huyết tham gia phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cùng với lực lượng hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi để ưu tiên lựa chọn bố trí làm chi hội trưởng, tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp.
Rà soát nông dân là thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã chưa là hội viên để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trong các hợp tác xã, tổ hợp tác. Những nơi hướng dẫn thành lập được các tổ hợp tác, hợp tác xã thì hướng dẫn, vận động thành lập luôn các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. Qua đó triển khai các hoạt động của Hội, kết nạp hội viên, xây dựng và củng cố tổ chức, mở rộng và khẳng định vị trí, vai trò, uy tín, ảnh hưởng của Hội Nông dân các cấp.
Tăng cường chỉ đạo đối với những địa bàn có làng nghề truyền thống, có ngành nghề sản xuất, kinh doanh lớn, sống tập trung. Nhân rộng các mô hình chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả.
3. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hiện có theo định hướng phát triển thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Rà soát, củng cố chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đã được thành lập; hướng dẫn xây dựng các mô hình chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp kiểu mẫu; tăng cường tổ chức các hoạt động tham quan mô hình; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị cho hội viên, nông dân.
Chủ động xây dựng mối liên kết giữa hội viên, nông dân với doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã trong quá trình tổ chức sản xuất, nhất là việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với nhu cầu của thị trường, khắc phục tình trạng “được mùa rớt giá”.
Nội dung sinh hoạt, hoạt động của chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp tập trung vào việc trao đổi thông tin về thời tiết nông vụ, về thị trường, giá cả, về thiết bị, vật tư nông nghiệp, phương tiện sản xuất, các loại giống cây, con, về phòng trừ dịch, bệnh, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, về sáng kiến, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, về cách thức lập dự án sản xuất kinh doanh, thủ tục vay vốn, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay…theo yêu cầu đảm bảo các nội dung sinh hoạt theo quy định của Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam để thực hiện chức năng tuyên truyền, giáo dục hội viên, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân.
4. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp, nhất là cán bộ Hội cơ sở, chi hội trưởng Nông dân nghề nghiệp, tổ trưởng tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
Tập trung đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp, kỹ năng tổ chức vận động quần chúng, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành, kiến thức về canh tác nông nghiệp và quy trình thành lập chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Coi trọng hình thức đào tạo, bồi dưỡng theo các khóa học, lớp bồi dưỡng, tập huấn của Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam, của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố; kết hợp với tổ chức tham quan, học tập mô hình, kinh nghiệm từ những địa phương, đơn vị làm tốt, thành công.
Nghiên cứu đưa cán bộ chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi đi học tập mô hình sản xuất nông nghiệp ở trong và ngoài nước theo Đề án của Trung ương và các tỉnh, thành Hội.
Về phụ cấp cho chi hội trưởng, tổ trưởng tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trước mắt đưa vào quy chế hoạt động của chi Hội Nông dân, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp theo nghị quyết của chi Hội, tổ Hội.
5. Tăng cường hỗ trợ, tập trung nguồn lực trong việc xây dựng và phát triển mô hình chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
Tập trung các chương trình, dự án của Trung ương Hội và Hội Nông dân các tỉnh, thành phố để hỗ trợ các điều kiện và nguồn lực trong qua trình xây dựng các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
Tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị và thương hiệu sản phẩm, ngành hàng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là cấp mã vùng sản xuất và cơ sở đóng gói, chế biến để đảm bảo điều kiện xuất khẩu chính ngạch cho nông dân.
Tập trung nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp cho hội viên, nông dân ở các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp để xây dựng mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh.
Phối hợp với các ngân hàng và các tổ chức tín dụng tạo điều kiện và cơ chế ưu đãi, thủ tục thuận lợi cho hội viên nông dân tham gia các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hướng dẫn xây dựng Quỹ tương trợ, Quỹ hoạt động trong các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
Chú trọng đầu tư, hỗ trợ nông dân về phương tiện sản xuất, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho hội viên nông dân khi xây dựng các mô hình liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh theo ngành nghề.
6. Phối hợp với các tổ chức, cơ quan, các ngành, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước để tư vấn, hỗ trợ cho nông dân.
Phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ vốn kinh doanh; tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm cho hội viên nông dân ở các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. Chú trọng liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ hội viên nông dân ở các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các mô hình sản xuất nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho hội viên nông dân.
Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mối liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa các hội viên nông dân, giữa hội viên nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà khoa học, ngân hàng, hiệp hội ngành hàng, nhà phân phối để sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn có hiệu quả ở nông thôn, đặc biệt là sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị.
Phối hợp với các cơ quan chức năng, có thẩm quyền hỗ trợ pháp lý và tư vấn cho các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, kết nối cung cầu, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp.
7. Tích cực tham mưu đề xuất để tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và quản lý của chính quyền các cấp, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp và tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
Các cấp Hội cần chủ động và tăng cường tham mưu với các cấp ủy Đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và sự quản lý của các cấp chính quyền để xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; phối hợp với các ban, ngành, các đoàn thể để khai thác thêm nguồn lực hỗ trợ các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Xây dựng mối quan hệ phối hợp chỉ đạo giữa chi bộ Đảng và ban chấp hành Hội Nông dân cơ sở trong việc định hướng nội dung, hình thức hoạt động của các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, mỗi chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phải chịu sự lãnh đạo của chi bộ đảng, nơi chi Hội, tổ Hội hoạt động và tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.
Trung ương Hội sẽ chủ trì phối hợp với Trung ương Đoàn và Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ban hành chủ trương, kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng các mô hình 3 trong 1: Hội viên trẻ và đoàn viên ở nông thôn cùng tham gia khởi nghiệp sáng tạo, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, lập nghiệp và xây dựng quê hương.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trung ương Hội
– Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết do đồng chí Chủ tịch làm Trưởng ban và các đồng chí Phó Chủ tịch, Trưởng ban Chỉ đạo Cụm thi đua của Ban Chấp hành Trung ương Hội làm Phó Trưởng ban, các thành viên là các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị có liên quan thuộc cơ quan Trung ương Hội. Ban Chỉ đạo có Tổ thư ký giúp việc.
– Ban Tổ chức Trung ương Hội chủ trì, phối hợp với các ban, đơn vị và Văn phòng Trung ương Hội giúp Ban Chấp hành Trung ương Hội theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Hội kết quả triển khai thực hiện nghị quyết.
– Ban Kinh tế Trung ương Hội chủ trì, phối hợp với các ban, đơn vị và Văn phòng Trung ương Hội hướng dẫn các cấp Hội xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trong nông nghiệp ở nông thôn của các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
– Ban Xã hội, Dân số, Gia đình Trung ương Hội chủ trì, phối hợp với các ban, đơn vị và Văn phòng Trung ương Hội hướng dẫn các cấp Hội xây dựng và nhân rộng các mô hình văn hóa, văn minh trong xây dựng và phát triển các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
– Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tham mưu chỉ đạo và hướng dẫn phê duyệt dự án, giải ngân nguồn vốn tập trung cho các chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp để xây dựng và nhân rộng các mô hình.
– Ban Tuyên huấn Trung ương Hội chủ trì, phối hợp với các ban, đơn vị và Báo Nông thôn Ngày nay, Tạp chí Nông thôn mới, Văn phòng Trung ương Hội xây dựng kế hoạch tuyên truyền và làm tốt công tác tuyên truyền đến hội viên, nông dân.
– Các ban, đơn vị thuộc Trung ương Hội chủ động tham mưu triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung các chương trình, dự án hàng năm hỗ trợ Hội Nông dân các tỉnh, thành phố và cơ sở Hội trong việc tổ chức, triển khai thực hiện nghị quyết.
2. Hội Nông dân các tỉnh, thành phố
– Tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết, xây dựng kế hoạch để cụ thể hóa Nghị quyết và chỉ đạo tổ chức thực hiện phù hợp với địa phương và cơ sở.
– Tham mưu cho cấp ủy cùng cấp về chủ trương xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền địa phương và phát huy vai trò của Ban đại diện Hội đồng Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết.
– Hằng năm tiến hành kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết công tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
– Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết về Trung ương Hội.
Nơi nhận: – Thường trực Ban Bí thư (để báo cáo); – Thủ tướng Chính phủ (để giúp đỡ chỉ đạo); – Ban Thường trực Uỷ ban TW Mặt trận TQVN (để giúp đỡ); – Văn phòng Tổng Bí thư (để giúp đỡ); – Văn phòng TW Đảng và các ban của Đảng (để giúp đỡ); – Các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc TW (để phối hợp); – Cơ quan Trung ương của các đoàn thể chính trị – xã hội và các bộ, ngành Trung ương (để phối hợp); – Hội Nông dân các tỉnh, thành phố (để thực hiện); – Các ban, đơn vị TW Hội (để thực hiện); – Các đ/c Uỷ viên BCH TW Hội (để chỉ đạo thực hiện); – Lưu VP, TC. |
T/M BAN CHẤP HÀNH CHỦ TỊCH Thào Xuân Sùng |