Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ tại Bà Rịa-Vũng Tàu còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn như một số tiểu thương còn phản đối việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về công tác thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác các chợ, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5 chợ triển khai thực hiện thí điểm chuyển đổi. Tuy nhiên, việc chuyển đổi vẫn gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, 5 chợ thực hiện thí điểm chuyển đổi gồm: Chợ Ngãi Giao (huyện Châu Đức), chợ Phước Hải (huyện Đất Đỏ), chợ Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), chợ Châu Pha (thị xã Phú Mỹ) và chợ Phường 5 (thành phố Vũng Tàu).
Sau 4 năm thực hiện chuyển đổi thí điểm mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ, đến nay, tỉnh có 2 chợ (chợ Ngãi Giao, huyện Châu Đức và chợ Phước Hải, huyện Đất Đỏ) đã hoàn thành việc chuyển đổi mô hình quản lý; 2 chợ đang trong quá trình thực hiện (chợ Bình Châu, huyện Xuyên Mộc và chợ Châu Pha, thị xã Phú Mỹ).
Còn lại 1 chợ tạm ngưng thực hiện do chưa nhận được sự đồng thuận của các tiểu thương (chợ Phường 5, thành phố Vũng Tàu).
Theo đánh giá của Sở Công Thương, việc chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ về cơ bản được các tiểu thương hưởng ứng tham gia thực hiện. Hai chợ đã thực hiện chuyển đổi hoạt động nề nếp văn minh, văn hóa của tiểu thương đã được thay đổi. Cơ sở vật chất tại các chợ cũng được đầu tư khang trang hơn trước.
Các chợ đã đi vào hoạt động, kinh doanh tương đối ổn định. Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh bước đầu cũng đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần khai thác tốt cơ sở vật chất, tăng thu ngân sách và đầu tư sửa chữa hạ tầng chợ đồng thời góp phần ổn định cuộc sống người dân trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ cũng còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, cụ thể như: một số tiểu thương còn phản đối việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ.
Bên cạnh đó, chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn về chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh chợ nên các địa phương còn lúng túng khi triển khai thực hiện và gặp phải vướng mắc trong quản lý; khó khăn trong việc kiểm kê giá trị tài sản chợ trước khi chuyển đổi; khó khăn trong đấu thầu; khó khăn trong việc ký kết lại hợp đồng cho thuê với tiểu thương….
Trước những khó khăn đó, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đề nghị Sở Công Thương tỉnh vẫn phải thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác đối với chợ Phường 5, thành phố Vũng Tàu.
Ông Khánh cũng yêu cầu Sở Công Thương chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan, đúc rút kinh nghiệm từ việc chuyển đổi để đề xuất loại chợ cần chuyển đổi mô hình quản lý và loại chợ cần xã hội hóa.
Bên cạnh đó, Sở có báo cáo cụ thể nêu lên các vướng mắc, khó khăn khi thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ (về tài sản, đất đai, con người, đấu thầu, đấu giá…).
Từ đó, có đề xuất, kiến nghị, báo cáo cụ thể với Bộ Công Thương.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh rà soát lại tất cả các loại hình chợ, nguồn gốc chợ và đề xuất phương án chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác chợ cụ thể, hợp lý. Đồng thời, xây dựng kế hoạch lộ trình chuyển đổi cụ thể đối với các chợ cần chuyển đổi mô hình quản lý gửi Sở Công Thương thẩm định, tổng hợp.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trên địa bàn tỉnh hiện có 82 chợ truyền thống trong quy hoạch. Dù hoạt động của chợ truyền thống ngày càng gặp khó khăn nhưng chợ truyền thống vẫn được xem là loại hình thương mại phổ biến và quan trọng trong hoạt động cung ứng và tiêu thụ hàng hóa cho người dân, nhất là khu vực nông thôn.
Theo quy hoạch phát triển hệ thống thương mại trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển hệ thống chợ theo hướng sắp xếp hợp lý chợ hiện có, ổn định theo quy hoạch, hạn chế việc di dời và không để chợ tự phát hình thành.
Đối với chợ dân sinh (chợ bán lẻ tổng hợp) vẫn là kênh lưu thông hàng hóa chủ yếu, tỉnh sẽ tiếp tục cải tạo, đầu tư để đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân./.
Ban XDH, theo news.vn