Với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, trong những năm qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, từ đó nâng cao giá trị, hiệu quả, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tăng lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản. Theo Đề án 04-ĐA/TU của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2020-2025, ngành Nông nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đặt ra mục tiêu: xây dựng và đưa vào hoạt động 07 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có 30% lượng sản phẩm tiêu thụ thông qua hợp đồng, đến năm 2030 phấn đấu đạt 50%; phát triển trên 50% doanh nghiệp đang hoạt động đủ điều kiện công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; gia tăng giá trị sản xuất và thu nhập; thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 chiếm trên 50% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, địa phương hiện có 344 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với quy mô diện tích 5.272ha, diện tích đang sản xuất 5.255ha. Trong chăn nuôi, hiện có 127 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 515ha, chiếm tỷ lệ 38,5% tổng đàn gia cầm và 37,8% tổng đàn heo. Lĩnh vực thủy sản, có 19 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 409,7ha, tăng 11,5 ha so năm 2021.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có doanh nghiệp đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP và đạt được nhiều kết quả đáng kỳ vọng như Công ty CP Nông nghiệp, Thương mại và Du lịch Bầu Mây. Tuy xuất hiện trên thị trường chưa lâu, nhưng sản phẩm tiêu Bầu Mây không những đã chinh phục thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trung bình mỗi năm, Công ty CP Nông nghiệp, Thương mại và Du lịch Bầu Mây đã tung ra thị trường hơn 200 tấn sản phẩm các loại. Các sản phẩm khác như: Điều, Cà phê, Ca cao cũng là những sản phẩm phát triển đa dạng đáp ứng theo nhu cầu thị trường. Đặc biệt, sản phẩm Điều rang muối, Dầu Điều của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang được tiêu thụ ổn định tại thị trường các tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ, miền Trung và được xuất khẩu sang các nước Hoa Kỳ, Anh, Úc, Hà Lan, Trung Quốc, Đài Loan,…
Ảnh thu hoạch Tiêu Bầu Mây. |
Ngoài các mặt hàng nông sản chủ lực và có tiềm năng xúc tiến thương mại lớn, các loại cây ăn trái như Dưa lưới, Bưởi Da xanh, Nhãn xuồng cơm vàng, Mãng cầu gai, chuối,… cũng được phát triển mạnh. Các doanh nghiệp đã chú trọng sản xuất theo các tiêu chuẩn về Nông nghiệp sạch (VietGap) và dần khẳng định được vị thế, các nhà phân phối trong và ngoài tỉnh quan tâm, đặt hàng với số lượng lớn. Đặc biệt là dưa lưới của các doanh nghiệp như Bùi Gia Phát, Kim Long Farm, Diệp Trang, Bưởi Da xanh Sông Xoài của Hợp tác xã Bưởi Da xanh Sông Xoài, …đã khẳng định được thương hiệu và đảm bảo nguồn cung ổn định cho nhu cầu thị trường.
Rau An toàn cũng là một trong những định hướng của tỉnh trong việc chuyển dịch cơ cấu phát triển nông nghiệp, nguồn cung ứng rau sạch cho người tiêu dùng trong tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các tỉnh lân cận, các huyện Long Điền, Xuyên Mộc và TP. Vũng Tàu và thị xã Phú Mỹ đã lần lượt hình thành các vùng chuyên canh rau sạch. Sản phẩm bao gồm các loại rau ăn lá và rau ăn quả được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong những năm qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không ngừng đẩy mạnh công tác Xúc tiến Thương mại, kết nối giao thương nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp cận nguồn hàng, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, mở rộng kênh phân phối, tăng thị phần và tiếp cận những thị trường trọng điểm, có tiềm năng lớn trong và ngoài nước. Đây là những bước đi chiến lược của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Nguồn ittpa.baria-vungtau