Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang tích cực hỗ trợ các chủ thể xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua việc thành lập các cửa hàng, nhà trưng bày sản phẩm OCOP.
Đông đảo khách tới mua sắm tại gian hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại huyện Long Điền. Ảnh: TTXVN phát
Các hoạt động này đã trở thành cầu nối thúc đẩy sự hợp tác giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Huyện Châu Đức hiện có 31 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3-4 sao. Để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản thế mạnh, huyện Châu Đức đã tổ chức Hội chợ nông sản huyện năm 2023.
Từ đầu năm đến nay, huyện Châu Đức đã khai trương 3 điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, đặc sản, tại ấp Suối Lúp, xã Bình Ba; Xã Suối Rao và Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện, với 49 sản phẩm của 19 chủ thể; trong đó có 31 sản phẩm OCOP cùng các sản phẩm đặc sản có tiềm năng phát triển của huyện Châu Đức đã được trưng bày, qua đó giúp các chủ thể quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.
Anh Trần Tài, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn nấm sinh học Việt Nam cho biết, được chứng nhận sản phẩm OCOP, lại được UBND huyện hỗ trợ các điểm trưng bày, bán sản phẩm tại các điểm, khách hàng sẽ càng tin tưởng vào sản phẩm của doanh nghiệp hơn, khi đã được khách hàng tin dùng sản phẩm thì khả năng phát triển thị trường, quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được lan tỏa hơn.
Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức chia sẻ, ngoài việc đưa sản phẩm OCOP tới các điểm giới thiệu và bán sản phẩm này, huyện đã tổ chức xúc tiến thương mại cho các chủ thể đi các nơi để giới thiệu không những giới thiệu tới người dân Bà Rịa-Vũng Tàu mà cả khách du lịch trong và ngoài nước biết đến sản phẩm đặc sản huyện Châu Đức.
Ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, ngoài phát triển công nghiệp đô thị, nông nghiệp vẫn là thế mạnh của huyện Châu Đức. Vì vậy, huyện tập trung phát triển nông nghiệp; trong đó có việc xây dựng các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Việc xây dựng các điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của huyện nhằm tạo cơ hội giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến người dân và du khách; nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường và góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, đời sống. Ông Bản cũng mong rằng các đơn vị liên quan cùng nông dân tiếp tục phát triển thêm các sản phẩm OCOP mới để có thể khai thác hết tiềm năng của địa phương; tăng cường quảng bá, tuyên truyền để đưa các sản phẩm của Châu Đức vươn lên tầm cao mới.
Tại huyện Long Điền, 20 sản phẩm; trong đó, 7 sản phẩm OCOP từ 4 sao trở lên và 13 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện cũng được quảng bá hình ảnh, thương hiệu tại “Nhà giới thiệu và trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu”, trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện tại thị trấn Long Điền.
Ngoài hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh có thêm kênh quảng bá, trưng bày, giới thiệu, kết nối và tiêu thụ sản phẩm; đây cũng là điểm dừng chân thu hút du khách của huyện Long Điền.
Tính đến tháng 11/2023, toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 91 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của 45 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó có 62 sản phẩm đạt 4 sao và 29 sản phẩm đạt 3 sao.
Các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện đều chú trọng sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn ISO, VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm; đạt chứng nhận HACCP, chứng nhận VietGAP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tập trung phát triển vùng nguyên liệu đầu vào tại địa phương và được kiểm nghiệm đánh giã từ quy trình trồng, thu hoạch, sản xuất bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy chuẩn; có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác.
Sản phẩm OCOP Bà Rịa – Vũng Tàu đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trưởng và được người tiêu dùng tín nhiệm thông qua việc được giới thiệu kinh doanh trên các trang mạng thương mại điện tử và các chuỗi cửa hàng siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước mà còn vươn tầm xuất khẩu.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp với ngành liên quan triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm này. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 4 điểm trưng bày, giới thiệu và bày bán sản phẩm OCOP, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất nắm bắt tình hình cung, cầu để sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, thông qua nhiều hoạt động; trong đó có các điểm bán hàng chính thống để các doanh nghiệp, chủ thể có điều kiện tiếp cận đưa sản phẩm ra thị trường, tiêu thụ sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo Quyết định số 743/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bà Rại-Vũng Tàu về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm – gọi tắt là OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025, Bịa-Vũng Tàu phấn đầu đến năm 2025 sẽ có ít nhất 150 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, phát triển tối thiểu 20-24 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Để đạt mục tiêu này, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, chú trọng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Bà Rại-Vũng Tàu quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP phù hợp; xây dựng mã số vùng trồng, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình OCOP; trong đó có việc xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; phát triển thương mại điện tử… nhằm đưa sản phẩm OCOP Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành hàng hóa có thương hiệu, chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Nguồn baotintuc.vn