Để đạt mục tiêu thuộc top 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu mức độ chuyển đổi số năm 2023 và đưa ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số để cải tiến, thay đổi quy trình tác nghiệp của cơ quan Nhà nước, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thông qua 6 nhóm giải pháp nhằm tăng tốc đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Phấn đấu top 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu chuyển đổi số
Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số xác định năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia. Cụ thể hoá chỉ đạo nêu trên, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Quyết định 180/QĐ-BCĐ về Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo năm 2023.
Theo đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đặt mục tiêu sẽ đưa tỉnh thuộc top 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số; đồng thời đưa ứng dụng công nghệ số và dữ liệu số để cải tiến, thay đổi quy trình tác nghiệp của cơ quan nhà nước nhằm đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; đảm bảo công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Ưu tiên phát triển kinh tế số
Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đồng thời với việc ưu tiên phát triển kinh tế số đầu tư cho phát triển chính quyền số, tỉnh này ưu tiên nguồn lực để phấn đấu đưa tỷ trọng kinh tế số chiếm 16% GRDP (tốc độ tăng trưởng); tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ chiếm tỷ lệ trên 8,5%; phấn đấu trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số và phấn đấu trên 30% thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đối số.
Với quyết tâm đến năm 2030 cơ bản hoàn thiện chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang nỗ lực triển khai hàng loạt các giải pháp công nghệ trên nhiều lĩnh vực nhằm tối ưu hóa các hoạt động quản lý, điều hành cũng như cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, năm 2023 tỉnh đặt ra các mục tiêu như: tiếp tục thực hiện, triển khai các nhiệm vụ theo nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính; ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; tạo điều kiện để phát triển các nền tảng và dữ liệu số, mang lại những giá trị vững chắc, thực chất phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tiếp đến ngày 20/7/2023, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 tập trung vào 39 chỉ tiêu, (trong đó đề ra 16 chỉ tiêu về chính quyền số, 8 chỉ tiêu về kinh tế số, 15 chỉ tiêu về xã hội số).
Thông qua 6 nhóm giải pháp, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang đẩy mạnh việc thực hiện các chỉ tiêu trên, gồm: truyền thông, nâng cao nhận thức, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đào tạo nguồn nhân lực; giải pháp tài chính; giải pháp hợp tác; kiểm tra, giám sát.
Ông Nguyễn Văn Thọ chia sẻ, đến nay, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở ngành, địa phương liên quan. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được giao tổ chức theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện kế hoạch; giám sát, đánh giá và đề xuất tình hình thực hiện kế hoạch chuyển đổi số.
Tập trung đầu tư cho phát triển chính quyền số
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thọ, mục tiêu được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ưu tiên đầu tư là phát triển chính quyền số nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi tiếp cận các dịch vụ công (DVC) tại địa phương và DVC quốc gia. Đến nay, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở ngành, địa phương liên quan. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông được giao tổ chức theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện kế hoạch; giám sát, đánh giá và đề xuất tình hình thực hiện kế hoạch chuyển đổi số.
Đề cập đến kết quả hoạt động công ích, ông Đỗ Hữu Hiền – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho hay hiện nay, tỉnh đã đáp ứng 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình; 50% DVCTT toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC quốc gia; 30% thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC tỉnh/Cổng DVC quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của DVC; 60% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC tỉnh/Cổng DVC quốc gia.
Đồng thời, 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng DVCTT được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương; 100% kết quả giải quyết TTHC được số hóa; 50% hồ sơ TTHC được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phấn đấu 100% hồ sơ TTHC được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến.
Theo ông Đỗ Hữu Hiền, việc thực hiện hiệu quả kế hoạch nêu trên, người dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ được hưởng lợi. Theo đó, từ sự tiện lợi, nhanh chóng của chuyển đổi số cho phép 100% hộ gia đình trên toàn tỉnh, được lắp đặt công tơ điện tử loại tự động gửi chỉ số điện; 100% trường học các cấp triển khai ký số trên học bạ điện tử; 100% thanh toán hóa đơn viễn thông, truyền hình không dùng tiền mặt; 80% thanh toán hóa đơn nước không dùng tiền mặt; 70% các siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm, tiểu thương… chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 70% số người hưởng lương hưu, trợ cấp sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Đặc biệt, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đặt mục tiêu duy trì 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa có website với tên miền .vn; 50% sản phẩm có giấy chứng nhận OCOP của tỉnh đủ điều kiện được đưa lên sàn thương mại điện tử; 85% tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử (có gian hàng).
Không vì phát triển “nóng” dẫn đến mất an toàn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đưa ra những giải pháp nhằm đảm bảo an toàn an ninh mạng với các thiết bị bảo mật, thiết bị mạng thường xuyên được nâng cấp, cập nhật các bản vá lỗi; 100% cổng/trang thông tin điện tử của tỉnh và các cơ quan quản lý Nhà nước có giải pháp hiệu quả chống lại các tấn công gây mất an toàn thông tin và có phương án dự phòng khắc phục sự cố, bảo đảm hoạt động liên tục ở mức tối đa./.
Nguồn taichinhvietnam.vn