10/39 dự án được hội đồng giám khảo chọn vào vòng chung kết cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành Thủy sản Bà Rịa- Vũng Tàu năm 2023.
Sáng 2-12, tại TP Vũng Tàu diễn ra vòng chung kết cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành Thủy sảnBà Rịa- Vũng Tàu năm 2023. Cuộc thi do Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phối hợp Sở NN&PTNT, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cùng với doanh nghiệp, đơn vị tổ chức.
Cuộc thi Đổi mới Sáng tạo ngành Thủy sản Bà Rịa- Vũng Tàu năm 2023 nhận được 39 dự án, giải pháp từ các cá nhân, đơn vị, tổ chức trong tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và các tỉnh, thành trong cả nước.
Trải qua 2 vòng thi, ban tổ chức đã chọn được 10 dự án để tham gia vòng chung kết. Đây đều là các dự án có tính ứng dụng thực tiễn cao, nhiều sản phẩm hỗ trợ tốt cho quá trình khai thác, đánh bắt thủy sản của ngư dân trên biển.
Tại vòng chung kết, tác giả các dự án trình bày phần thuyết trình về dự án của mình trong vòng 5 phút. Sau đó, sẽ trả lời các câu hỏi do hội đồng giám khảo đưa ra liên quan đến mục tiêu, giải pháp, công nghệ, tính thực tiễn…của dự án. Ban tổ chức sẽ tổng hợp, công bố và trao giải vào chiều cùng ngày.
Mục đích nhằm giới thiệu các công nghệ, giải pháp đổi mới sáng tạo mới nhất tới các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, khách hàng tiềm năng. Đồng thời tổ chức trưng bày các sản phẩm, dự án công nghệ, giải pháp đổi mới sáng tạo ngành thủy sản.
Ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Trưởng ban tổ chức cuộc thi thông tin, năm 2023 Ban chấp hành TW Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó nhấn mạnh nuôi trồng và khai thác hải sản là một trong 5 chủ trương lớn để phát triển kinh tế biển và ven biển.
Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030. Theo đó, Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển theo hướng là trọng điểm phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở vùng Đông Nam Bộ. Mở rộng với khai thác, nuôi trồng hải sản, dịch vụ nghề cá là một trong các lĩnh vực chính.
Sở KH&CN cũng đã đồng hành cùng với ngành thủy sản của tỉnh trong nhiều hoạt động thời gian qua. Cụ thể như triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành thủy sản để xây dựng hệ thống nước thải, sản xuất sạch hơn; áp dụng các hệ thống quản lý vào sản xuất; ứng dụng các đề tài, nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm vào doanh nghiệp thủy sản…
Theo kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2021-2025 sẽ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo các lĩnh vực trọng tâm gắn với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong đó khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngành thủy sản, kinh tế biển là một trong các lĩnh vực chính.
Từ năm 2020, Sở KH&CN đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành Thủy sản. Thông qua đó để tìm kiếm, phát triển các giải pháp công nghệ, đổi mới sáng tạo hướng tới nâng cao giá trị, giải quyết các vấn đề của ngành thuỷ sản tỉnh…
Cuộc thi có sự quan tâm tham gia của các dự án không chỉ ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu mà còn từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thông qua cuộc thi đã có nhiều giải pháp mới được phát triển trong cuộc thi, cũng như đưa các giải pháp đã phát triển gần hơn tới doanh nghiệp, thị trường.
Cũng trong chiều 2-12, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện vòng chung kết, Sở KH&CN phối hợp các đơn vị liên quan để tổ chức hội thảo kết nối công nghệ, đổi mới sáng tạo ngành thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu.
10 dự án vào vòng chung kết
1. Workshop làm thủ công tái chế từ vỏ sò kết hợp coffee shop phong cách (Trường THPT Vũng Tàu);
2. Bạch tuộc giòn (Cuộc thi Tỉnh đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu);
3. Thiết bị giám sát, điều khiển và cảnh báo nồng độ các khí độc trong hầm cá của tàu, ghe (THPT Trần Văn Quan);
4. Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm cá Hồng Mỹ (cú đù đỏ) một nắng từ nuôi đến chế biến và tiêu thụ (Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam);
5. Ứng dụng pin nhiên liệu cung cấp năng lượng cho các thiết bị phục vụ khai thác thủy sản (Đại học Lạc Hồng).
6. Áp dụng CNTT vào quản lý doanh nghiệp thủy sản (Tác giả Lương Công Nhật Hùng);
7. Tàu tự hành ứng dụng trong quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản (Công ty TNHH Không gian Khởi Nghiệp Thực nghiệm Bà Rịa);
8. Ứng dụng hệ thống bốc xếp dỡ sản phẩm thủy sản từ boong tàu lên cảng cá (Phân viện Nghiên cứu hải sản phía Nam);
9. Xây dựng chợ thủy sản trực tuyến cho chuỗi tiêu thị sản phẩm sau khai thác nhằm cân bằng lợi nhuận giữa các mắt xích và tăng giá trị hàng hóa thủy sản của Việt Nam (Sinh viên ngành Quản lý thủy sản- trường Đại học Nha Trang); 10. Tái chế rác thải nhựa từ ngành thủy sản ứng dụng trong lĩnh vực xây dựng (công ty Cổ phần Pando).
Nguồn plo.vn