Từ khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá sầu riêng luôn ở mức cao, các nhà vườn đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới công tác chuyển đổi số, xây dựng mã số vùng trồng để hướng tới sản xuất
Nhà nông thay đổi tư duy, mạnh dạn truy xuất nguồn gốc từ vườn
Mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Yên đã phối hợp với UBND xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập thông tin, dữ liệu nhằm thực hiện chuyển đổi số trên cây sầu riêng. Buổi tập huấn có hàng chục hộ nông dân tham dự và diễn ra khá sôi nổi.
Theo đó, bà con được cán bộ ngành nông nghiệp hướng dẫn cài đặt app hSpace trên điện thoại cá nhân để đăng ký tài khoản; hướng dẫn ứng dụng công nghệ số hóa từng vườn và có thể dễ dàng kết nối với các hộ nông dân khác trong quá trình canh tác, thu hoạch và tiêu thụ. Với phần mềm này, bà con sẽ từng bước chuyển đổi từ quy trình canh tác nhỏ lẻ sang hướng chuyên nghiệp hơn, có đầu tư, liên kết, góp phần phát triển bền vững cây sầu riêng.
Việc hướng dẫn nông dân tiếp cận và thực hiện các bước chuyển đổi số nông nghiệp được kỳ vọng sẽ giúp phát triển bền vững cây sầu riêng, phát triển sinh kế lâu dài cho người dân trên địa bàn.
Ông Đào Minh Đức ở buôn Trinh, xã Ea Bar trồng hơn 3ha, song lâu nay sầu riêng thu hoạch được ông chủ yếu bán lẻ tại chợ hoặc thương lái đến thu mua, chứ chưa có kênh tiêu thụ nào ổn định mặc dù gia đình ông Đức đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.
Theo ông Đức, sau khi được hướng dẫn sử dụng phần mềm, đăng ký đơn vị quản lý vùng trồng qua ứng dụng hSpace, ông thấy rất tiện lợi, có thể tham gia vào nhóm hợp tác sản xuất, được hỗ trợ kỹ thuật canh tác theo các tiêu chuẩn chất lượng, minh bạch, nhằm đáp ứng các quy định, hàng rào kỹ thuật khi tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Tương tự, tại tỉnh Đắk Lắk – “thủ phủ” trồng sầu riêng khu vực Tây Nguyên, các nhà vườn cũng rất quan tâm tới việc xây dựng mã số vùng trồng, áp dụng các kỹ thuật chăm sóc tiên tiến theo quy trình VietGAP, GlobalGAP nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng cho từng quả sầu riêng.
Năm 2020, anh Lê Văn Trung là một trong những nhà vườn tiên phong đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc sầu riêng tại thôn Phước Thành (xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) với hơn 1 ha sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê. Sầu riêng nhà anh chủ yếu là giống sầu riêng Dona, được trồng 2 đợt vào năm 2004 và năm 2011. Hiện vườn có hơn 120 cây ra quả ổn định và đã được gắn chíp trên mỗi thân cây nhằm phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Anh Trung cho hay, khi biết thông tin về việc chính quyền sẽ hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn người dân thực hiện truy xuất nguồn gốc sầu riêng, anh rất mừng bởi sầu riêng Krông Pắc đã có thương hiệu, khi được gắn mã, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ thì trái sầu riêng sẽ có cơ hội tiêu thụ rộng rãi hơn, giá bán ổn định hơn.
Gắn chíp điện tử truy xuất nguồn gốc sầu riêng. Ảnh: nongnghiep.vn
Gia đình ông Hồ Sỹ Linh (thôn Tân Nam, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cũng mạnh dạn đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc cho vườn sầu riêng của gia đình trồng từ năm 2013-2015. Tháng 3/2019, 40 cây sầu riêng Dona của gia đình đã được gắn chíp điện tử truy xuất nguồn gốc. Loại chíp này được gắn trên thân mỗi cây sầu riêng, trong đó có ký hiệu cụ thể về tên hộ trồng, mã số cây, độ tuổi… và đã gắn vào cây nào rồi thì không thể gỡ ra nên rất khó làm giả, làm nhái. Chưa kể mã tem dán lên quả sầu riêng khi thu hoạch cũng được làm riêng cho từng con chíp cụ thể.
Nhờ đó, khi quả sầu riêng bán ra thị trường, ai cũng có thể truy xuất nguồn gốc, xuất xứ vùng miền bằng điện thoại thông minh cài đặt phần mềm soi mã vạch. Thấy được lợi ích lâu dài của việc gắn tem truy xuất nguồn gốc, ông Linh đã vận động các hộ trong thôn cùng đăng ký tham gia.
Truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là yêu cầu bắt buộc
HTX Vĩnh Khang, tỉnh Tiền Giang có hơn 60ha sầu riêng và làm đầu mối triển khai quy trình canh tác, thu mua hàng trăm ha sầu riêng của nông dân để xuất khẩu. Ngoài xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, HTX còn cung cấp sầu riêng cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường khó tính khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu…
Ông Lê Minh Trí, phụ trách bộ phận kinh doanh của HTX Vĩnh Khang cho rằng, hiện nay khi tiếp cận với những thị trường xuất khẩu, ngoài việc phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá thành cạnh tranh… sản phẩm còn phải đáp ứng yêu cầu số hoá trong truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, toàn bộ hơn 300ha sầu riêng của HTX và cả nông dân thành viên vẫn thực hiện ghi chép nhật ký thủ công. Nguyên nhân là nhiều bà con chưa quen dùng điện thoại thông minh, máy tính, do trình độ, kỹ năng sử dụng phần mềm còn hạn chế. Thêm vào đó, đang có nhiều phần mềm được triển khai, dữ liệu chưa đầy đủ nên không chỉ nông dân khó sử dụng, ngay chính những kỹ sư nông nghiệp cũng gặp không ít khó khăn.
Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ AutoAgri, trong truy xuất nguồn gốc cần gắn với số hoá, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng. Nhưng hiện nay vấn đề này thực hiện chưa đồng bộ, đồng loạt và cơ sở dữ liệu đang trong quá trình thu thập, lưu trữ, với nhiều phần phềm cùng được lưu hành. Vì vậy, các doanh nghiệp, HTX, người nông dân rất cần được hướng dẫn về quy trình, quy định của cơ quan nhà nước, cũng như cần phần mềm phù hợp với trình độ và khả năng đầu tư.
Ông Nguyễn Quốc Toản – Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, truy xuất nguồn gốc nông sản cần sự tham gia, phối hợp của tất cả các bên, từ quản lý nhà nước tới DN, HTX và nông dân. Nhất là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu. Làm sao để hệ thống sử dụng cho các cơ quan quản lý kết nối dữ liệu với “Nhật ký đồng ruộng” và trong tương lai là phần mềm về “Quản lý cơ sở đóng gói”.
“Truy xuất nguồn gốc vừa có tính bắt buộc nhưng cũng phải có tính tự nguyện. Đặc biệt là phải có tính quy trình nên quá trình số hoá phải có tính tương tác với nhau. Chúng ta tạo ra ứng dụng phải có thể chế để làm sống ứng dụng đó, không đơn thuần là phần mềm quản lý mà còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước”, ông Toản nói.
Trực tiếp tham gia các buổi tập huấn chuyển đổi số trên cây trồng, bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Yên chia sẻ, giá trị của chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ nhằm tạo thêm giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà còn là giúp nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi để hòa nhịp xu thế phát triển chung.
“Hiện ngành Nông nghiệp Phú Yên đang thực hiện kế hoạch chuyển đổi số tập trung cho các xã về đích nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, từ đó sẽ chọn những đối tượng cây trồng cụ thể để triển khai. Trước mắt, chúng tôi chọn cây sầu riêng ở huyện Sông Hinh và cây sen ở huyện Tây Hòa là cây chuyển đổi số, với mong muốn giúp nông dân của địa phương mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, từng bước thay đổi tư duy sản xuất theo nhu cầu thị trường”, bà Thủy cho hay.
Nguon Baodanviet