Đến nay, tỉnh Bến Tre có đến 10 Câu lạc bộ (CLB) nông dân tỷ phú, với 424 thành viên tham gia. Trong đó, có 1 câu lạc bộ cấp tỉnh và 9 câu lạc bộ cấp huyện, thành phố. Việc ra đời của các CLB nông dân tỷ phú đã khẳng định vị thế làm chủ, thu hút hội viên nông dân sinh hoạt sôi nổi, thực chất hơn.
Vì sao Câu lạc bộ nông dân tỷ phú ở Bến Tre ra đời?
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, đến nay, tỉnh Bến Tre có đến 10 Câu lạc bộ nông dân tỷ phú, với 424 thành viên tham gia, tương đương với 424 “tỷ phú”. Trong 10 Câu lạc bộ nông dân tỷ phú này, có 1 câu lạc bộ cấp tỉnh và 9 câu lạc bộ cấp huyện (thành phố).
Câu lạc bộ nông dân tỷ phú tỉnh Bến Tre hỗ trợ vốn cho nông dân sản xuất, kinh doanh
Như vậy, chỉ trong 6 năm hình thành (tính từ năm 2018), Câu lạc bộ nông dân tỷ phú ở Bến Tre đã nhân rộng đến 100% các huyện, thành phố. Đây là mô hình do Hội Nông dân tỉnh Bến Tre thành lập và được Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre đồng ý cho chủ trương.
Theo Hội Nông dân tỉnh Bến Tre, những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, tạo động lực quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Từ phong trào trên đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân và các tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực được các cấp hội ghi nhận. Đồng thời, qua phong trào cũng đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, không ngừng cải tiến khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, từ đó được nhân rộng, phá vỡ thế độc canh sản xuất kiểu truyền thống kém hiệu quả, góp phần phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn.
Đặc biệt, qua phong trào đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, đạt lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm xuất hiện. Tuy nhiên, những mô hình này chưa được nhân rộng, chưa chia sẻ những kinh nghiệm hay cho nhiều nông dân khác học tập để làm theo. Mặt khác, những hộ nông dân giỏi này cũng có mong muốn giúp đỡ những nông dân nghèo khó khăn nhưng không biết cách giúp và giúp như thế nào.
Thêm vào đó, sản phẩm của những nông dân này chưa liên kết được với sản phẩm của những nông dân khác để tạo ra sản lượng lớn hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Do đó, sức lan tỏa của những mô hình kinh tế nông nghiệp có doanh thu trên 1 tỷ đồng chưa được sâu rộng trong nông dân.
Xuất phát từ thực trạng trên, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bến Tre nhận thấy cần phải tạo ra một mô hình, một cách tập hợp mới để giúp những nông dân này có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, đồng thời thông qua đây có điều kiện để nhân rộng mô hình cho nhiều người làm theo. Kết quả, Câu lạc bộ nông dân tỷ phú ra đời.
Những nông dân tiêu biểu tham gia Câu lạc bộ nông dân tỷ phú có thể kể đến là anh Đặng Văn Bảy ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú với mô hình nuôi tôm thẻ (đạt kỷ lục 14,6 con/kg); ông Huỳnh Văn Quận, xã Giao Long, huyện Châu Thành trồng bưởi đạt chuẩn VietGap; anh Nguyễn Hữu Thanh, xã Long Hòa, huyện Bình Đại trồng nhãn; anh Lưu Văn Cõi, xã An Hiệp, huyện Ba Tri nuôi bò giống chất lượng cao; chị Nguyễn Thị Nga xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách trồng hoa kiểng trong nhà lưới.
Đại diện các Sở, ngành, doanh nghiệp, ngân hàng cũng tham gia sinh hoạt với CLB nông dân tỷ phú
Thành viên Câu lạc bộ nông dân tỷ phú ở Bến Tre ngoài nông dân còn có các sở, ngành trong tỉnh như Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông, Ngân hàng, doanh nghiệp, nhà khoa học,…
Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ gồm 1 chủ nhiệm, 2 phó chủ nhiệm, 1 thư ký, 1 thủ quỹ và các tổ trưởng phụ trách các sản phẩm nông nghiệp. Câu lạc bộ sẽ sinh hoạt 2 tháng/lần tại nhà của một thành viên trong câu lạc bộ theo hình thức xoay vòng.
Về cơ bản, nội dung sinh hoạt Câu lạc bộ nông dân tỷ phú tỉnh Bến Tre gồm tham quan mô hình nơi sinh hoạt; báo cáo hoạt động thời gian qua và phương hướng hoạt động thời gian tới; chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất giữa các thành viên; doanh nghiệp thông tin giá cả, định hướng thị trường; nhà khoa học thông tin, chuyển giao khoa học kỹ thuật; các sở, ngành tỉnh thông tin những chính sách có liên quan đến nông nghiệp, nông dân cũng như giải thích những ý kiến, kiến nghị của các thành viên câu lạc bộ; kết nạp thành viên mới.
Thông qua hoạt động của các câu lạc bộ giúp hội viên, nông dân tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn nông thôn, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế hợp tác; góp phần thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU năm 2016 của Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2025 cũng như Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 29/01/2021 về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2020 – 2025 và định hướng đến năm 2030.
Ngoài ra, các câu lạc bộ đã giúp nâng cao vị thế của người nông dân trong xã hội, nâng cao vai trò và uy tín của tổ chức Hội Nông dân trong hệ thống chính trị, làm đầu tàu dẫn dắt những nông dân khác cùng nhau phát triển.
Song song đó là vận động hội viên, nông dân đoàn kết, tương trợ nhau thông qua những hành động cụ thể như: giúp vốn, giống, vật tư, công lao động, kinh nghiệm sản xuất; phối hợp với các ngành chuyên môn tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật, dạy nghề,…giúp hội viên, nông dân có cơ hội vươn lên làm giàu chính đáng, từ đó làm hạt nhân nòng cốt trong việc tham gia thực hiện phong trào kinh tế hợp tác tại các địa phương trong tỉnh.
Được biết, Câu lạc bộ nông dân tỷ phú là mô hình đầu tiên của cả nước được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao và phổ biến nhân rộng toàn quốc về việc tập hợp những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên.
Cần Thơ ra mắt CLB nông dân tỷ phú đầu tiên
Ngày 13/10 vừa qua, nhân dịp tổ chức họp mặt kỷ niệm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2023), Hội Nông dân TP.Cần Thơ đã công bố quyết định thành lập và ra mắt câu lạc bộ nông dân tỷ phú tiêu biểu đầu tiên với 25 thành viên, tương đương với 25 tỷ phú.
Câu lạc bộ nông dân tỷ phú tiêu biểu TP.Cần Thơ gồm 25 thành viên. Đây là những hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thu lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, dẫn dắt các nông dân khác làm theo.
Phát biểu tại buổi ra mắt, ông Châu Thanh Triều – Chủ nhiệm Câu lạc bộ nông dân tỷ phú tiêu biểu TP.Cần Thơ cho biết, câu lạc bộ là nơi để nông dân giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm làm nông, làm giàu. Đồng thời thúc đẩy, lan tỏa phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn Cần Thơ giàu, đẹp.
Theo Hội Nông dân TP.Cần Thơ, nhiều năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được các cấp hội phát động rộng khắp.
Qua đó, bình quân mỗi năm toàn thành phố có hơn 78.000 lượt hộ nông dân đăng ký thi đua. Qua bình xét, có hơn 47.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đã thúc đẩy việc thành lập các loại hình kinh tế tập thể hiệu quả, hình thành các hình thức hợp tác tự nguyện của nông dân với quy mô lớn.
Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển ngành nghề, tăng thu nhập, giảm nghèo cho hội viên, nông dân thành phố.
Riêng năm 2023, các cấp hội đã vận động thành lập mới 11 hợp tác xã nông nghiệp, 66 tổ hợp tác sản xuất, 12 chi hội nông dân nghề nghiệp, 30 tổ hội nông dân nghề nghiệp, xây dựng 21 căn nhà “Mái ấm – nông dân”.
CLB ra đời nhằm mục đích đoàn kết, tập hợp những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả thành một tổ chức gắn kết. Từ đó tạo môi trường, diễn đàn cho các thành viên giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, liên kết cùng nhau hợp tác phát triển.
Đồng thời, thúc đẩy và phát triển phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của tổ chức hội nông dân trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tại tỉnh Đắk Lắk.
CLB hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự quản, phối hợp hoạt động, tuân thủ pháp luật và theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Để đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, các cấp Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu đến năm 2026 sẽ có 15 CLB “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” tại các cấp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tập hợp hội viên, nông dân trên cùng địa bàn để liên kết giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hóa; liên kết tạo chuỗi giá trị gắn với phát triển ngành nghề và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; xây dựng thương hiệu sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương…
Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh có tổng số 465.062 lượt hộ hội viên nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Kết quả bình xét trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh có 399.753 lượt hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp và vượt 25,9% so với chỉ tiêu Đại hội IX đề ra.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã trở thành động lực quan trọng phát triển tiềm năng, thế mạnh của nông dân, nông thôn và của từng địa phương.
Với mong muốn đoàn kết, tập hợp những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả thành một tổ chức gắn kết, từ đó tạo môi trường, diễn dàn cho các thành viên giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, liên kết cùng nhau hợp tác phát triển, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã quyết định thành lập và ra mắt Câu lạc bộ “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh.
Các thành viên Câu lạc bộ phát huy vai trò là hạt nhân liên kết, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong phát triển sản xuất kinh doanh, tạo động lực thi đua phát triển kinh tế cho thành viên Câu lạc bộ và hội viên, nông dân toàn tỉnh.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh sẽ đặc biệt quan tâm xây dựng kế hoạch năm về tập huấn cho hội viên về chuyển đổi số, kỹ năng bán hàng trên mạng, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và tiến tới có trang điện tử riêng về sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh.
Trong 5 năm (2018-2023), Hội Nông dân TP Hà Nội đã có hơn 1,3 triệu lượt hội viên đăng ký Hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Qua bình xét có 961.681 lượt hộ hội viên đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Từ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã xuất hiện những tấm gương nông dân tiêu biểu, điển hình. Những nông dân này đã dám nghĩ, dám làm, dũng cảm vượt qua khó khăn thử thách; thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.
Trên địa bàn TP ngày càng có nhiều nông dân tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh để làm giàu cho gia đình và giúp đỡ nhiều hộ khác vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Điển hình như: Nông dân Nguyễn Thị Hồng (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) với mô hình trồng, sản xuất, chế biến nấm đông trùng hạ thảo. Hay mô hình sản xuất gà giống ứng dụng công nghệ cao bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo của ông Hoàng Mạnh Ngọc, xã Liên Hà, huyện Đông Anh; mô hình chăn nuôi bò và chế biến thực phẩm, dịch vụ nông nghiệp của ông Trần Văn Thắng, xã Thọ An, huyện Đan Phượng.
Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân lao động sáng tạo, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, mang lại lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng.
Tiêu biểu như: Nông dân Tạ Đình Huy (xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ) với sáng chế chiếc máy nông nghiệp thông minh “23 trong 1″, không người lái. Hay nông dân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) với nghiên cứu làm ra sợi tơ sen và dệt ra lụa tơ sen, khôi phục làng nghề dệt vải tơ tằm truyền thống…
Đáng chú ý, trong những năm qua, nhiều mô hình, công trình, phần việc thiết thực của các cấp Hội, cán bộ hội viên nông dân Thủ đô nhân rộng. Đến nay, toàn TP đã rồng mới và gắn biển 372 hàng cây nông dân với tổng số 15.326 cây xanh; gắn biển 225 đoạn đường nở hoa, đường nông dân kiểu mẫu, con đường bích họa với tổng chiều dài 178 km; xây dựng được 53 mô hình cánh đồng sach; 38 hàng cây kiểu mẫu…
Các phong trào thi đua của Hội Nông dân đã lôi cuốn đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia, là môi trường thuận lợi cho Nông dân Thủ đô phát huy những giá trị tốt đẹp, tiềm năng, sức sáng tạo để vươn lên phát triển toàn diện.
Trong 5 năm (2018-2023), Hội Nông dân Thành phố đã có 4 cán bộ, hội viên được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, 6 Nông dân Việt Nam xuất sắc, 4 Công dân Thủ đô ưu tú”, 36 Nông dân Thủ đô xuất sắc; 276 hội viên nông dân được UBND Thành phố tặng bằng khen hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Đó là những tấm gương tiêu biểu, điển hình đại diện cho Nông dân Thủ đô chuyên nghiệp, thanh lịch – văn minh.
Với mong muốn, đoàn kết, tập hợp những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả thành một tổ chức gắn kết, từ đó tạo môi trường, diễn đàn cho các thành viên giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, liên kết cùng nhau hợp tác phát triển, Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố Hà Nội tổ chức ra mắt câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố.
Câu lạc bộ hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự quản, phối hợp hoạt động, tuân thủ pháp luật và theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội Nông dân TP.
Nguồn Baodanviet