Theo quy hoạch, đến năm 2030 Bà Rịa – Vũng Tàu có 24 khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ, với tổng diện tích hơn 16.000 ha.
Đầu tháng 11/2023, HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khóa VII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã thông qua nghị quyết điều chỉnh một số nội dung Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 31/5/2023 của HĐND thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
24 khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ
Về phát triển khu công nghiệp, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư vào 13 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất quy hoạch 7.242,66 ha; hoàn thành các thủ tục và triển khai đầu tư hạ tầng 4 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch tổng diện tích đất quy hoạch 1.810 ha; bổ sung quy hoạch 7 khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ mới, với tổng diện tích là 6.850 ha, trong đó đất công nghiệp là 4.795 ha.
Đến năm 2030, toàn tỉnh có 24 khu công nghiệp và khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ, với tổng diện tích đất quy hoạch là 16.052,66 ha, trong đó đất khu công nghiệp quy hoạch là 13.847,66 ha; đất khu công nghiệp phân bố chỉ tiêu sử dụng đến năm 2030 là 10.755 ha; đất khu công nghiệp quy hoạch sau năm 2030 là 3.092,66 ha.
Hình thành khu thương mại tự do (Free Trade Zone) gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, bao gồm hệ sinh thái công nghiệp – dịch vụ hoàn chỉnh (riêng nội dung phát triển khu thương mại tự do sẽ thực hiện theo đề án riêng).
Phát triển các tổ hợp đô thị, dịch vụ, trung tâm logistics, cảng cạn cung cấp dịch vụ vận tải, kho bãi gắn với hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải và kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, gồm: Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, Khu thương mại dịch vụ tổng hợp Sông Xoài, Khu logistics Phú Mỹ số 1 tại giao lộ ĐT991 và đường Vành đai 4 TP HCM, Khu logistics Phú Mỹ số 2 tại giao lộ Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP HCM, Trung tâm logistics Bình Ba, hệ thống cảng cạn và một số trung tâm logistcs quy mô vừa và nhỏ khác tại thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức.
Khu chức năng văn hóa, thể thao gắn với phát triển du lịch: Đầu tư xây dựng một số trung tâm dịch vụ, thể thao, văn hóa quy mô lớn, đủ năng lực tổ chức các sự kiện thể thao, văn hóa cấp quốc gia và quốc tế như: Khu liên hợp thể dục – thể thao của tỉnh tại TP Bà Rịa, Trung tâm dịch vụ thương mại – du lịch – thể thao, giải trí tại huyện Xuyên Mộc, trung tâm dịch vụ du lịch giải trí phức hợp tại TP Vũng Tàu.
Phát triển hệ thống đô thị xanh, thông minh
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ phát triển hệ thống đô thị theo hướng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành hệ thống đô thị có kết cầu hạ tầng đồng bộ và hiện đại (bao gồm giao thông trên mặt đất, giao thông ngầm, giao thông trên cao), đảm bảo kết nối giữa các đô thị trong tỉnh và với các đô thị trong vùng; phát triển đô thị gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.
Đến năm 2030, Bà Rịa – Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương, đóng vai trò là một cực phát triển quan trọng trong hệ thống đô thị của vùng Đông Nam Bộ, khu vực nội thành được xác lập trên cơ sở các khu vực phát triển đô thị: Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ, Long Điền, Long Hải, đạt tiêu chí của đô thị loại I.
Phát triển và hiện đại hoá các đô thị vệ tinh, đóng vai trò hạt nhân phát triển, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển các vùng ngoại thành, vùng ven biển và khu vực nông thôn với các đô thị loại V là: Ngãi Giao, Kim Long, Hòa Bình, Phước Bửu, Bình Châu, Hồ Tràm, Đất Đỏ, Phước Hải và 1 đô thị sinh thái biển đảo (Côn Đảo).
Sau năm 2030 nâng cấp 2 đô thị Ngãi Giao và Phước Bửu từ loại V lên loại IV; phát triển 2 đô thị mới Cù Bị và Suối Nghệ (tại huyện Châu Đức).
Đến năm 2050, Bà Rịa – Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia, cửa ngõ ra biển cho vùng Đông Nam Bộ, cơ cấu đô thị đa trung tâm, với các trung tâm đô thị: Phú Mỹ – Bà Rịa – Long Điền – Long Hải – Vũng Tàu, được kết nối bằng hệ thống giao thông đô thị đồng bộ, hiện đại (hệ thống đường đô thị và các tuyến Metro, MonoRail); hệ thống các đô thị vệ tinh quy mô phù hợp, chất lượng môi trường sống theo tiêu chuẩn đô thị xanh.
Nguồn vietnamdaily.vn