Anh nông dân đó là anh Nguyễn Thành Tân, 32 tuổi, ngụ ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Từ quy trình nuôi lươn sạch, với quy mô 100.000 con (nhiều kích cỡ) trong tổng số 24 bể nuôi, anh Tân thu lãi hơn 500 triệu đồng/năm.
Nuôi lươn công nghệ tuần hoàn nước
Sở dĩ gọi là quy trình nuôi lươn sạch là vì anh Tân nuôi lươn bằng công nghệ tuần hoàn nước. Theo đó, lượng nước sau khi được cung cấp vào bể lọc, sẽ được xử lý sạch trước khi đưa vào bể nuôi lươn. Lượng nước sau đó được cho vào bể xử lý để được tái sử dụng.
Mô hình nuôi lươn công nghệ tuần hoàn nước, giá bán cao của Nguyễn Thành Tân, 32 tuổi, ngụ ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Xây
“Quy trình nuôi lươn sạch công nghệ tuần hoàn nước ít tốn nước cũng như công thay nước hằng ngày. Nhờ đó, môi trường nước ít bị xáo trộn, lươn phát triển nhanh hơn, ít bệnh tật” – anh Tân phân tích.
Ngoài ra, với quy trình, công nghệ nuôi lươn tuần hoàn nước, anh Tân cho sản phẩm lươn thịt tốt, an toàn do ít sử dụng kháng sinh, hóa chất. Đây cũng là lí do lươn thịt của anh có giá bán cao hơn cách nuôi truyền thống từ 5.000-10.000 đồng/kg.
Hiện nay, trại nuôi lươn của anh Tân có quy mô 100.000 con (nhiều kích cỡ) với 24 bể nuôi.
Trung bình anh Tân thu về lợi nhuận từ từ 500-600 triệu đồng/năm từ việc xuất bán lươn thịt (bán từ 4-5 lần/năm, mỗi lần từ 4-5 tấn lươn; giá lươn thịt từ 80.000-110.000 đồng/ kg tùy kích cỡ, thời điểm).
Theo tìm hiểu, anh Tân nuôi lươn với mật độ gần 400 con/m2, thấp hơn quy trình nuôi lươn truyền thống (khoảng 500 con/m2). Nhưng bù lại, cách làm của anh giúp lươn có tốc độ phát triển nhanh hơn.
Bên trong bể, anh để dây ny lon đen cột thành chùm làm giá thể cho lươn ươm trú ẩn. Khi lươn lớn giá thể được thay thế bằng lưới che.
Trước đó, năm 2010, anh Tân nuôi lươn đồng theo cách truyền thống và gặp nhiều lần thất bại. Nguyên nhân là do lươn đồng khi mua về có tỉ lệ hao hụt cao.
Loại lươn đồng mua về là do người dân bắt bằng cách xung điện hoặc bằng các loại thuốc có hại nên sức khỏe yếu và lươn đồng cũng không dễ nuôi do đặc tính hoang dã cao, khó thuần.
Không nản lòng và do đam mê, anh Tân thi đậu vào Khoa Thủy sản (nay là Trường Thủy sản) thuộc Đại học Cần Thơ) để học sâu về quy trình nuôi lươn.
Nhờ kiến thức học được từ nhà trường, cộng với kinh nghiệm tích lũy từ thực tế trước đó, từ năm 2014, ngoài việc nuôi lươn thịt, anh Tân còn cho lươn sinh sản thành công.
Đến năm 2018, anh Tân chuyển sang áp dụng quy trình nuôi lươn tuần hoàn nước và dần mở rộng quy mô nuôi lươn cho đến nay.
Được biết, lươn thịt nuôi theo quy trình, công nghệ tuần hoàn nước (lươn sạch) đang được thị trường nước ngoài ưa chuộng, nhất là các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nguồn Danviet