Cây hoài sơn hay còn gọi là khoai mài đã bén rễ và trở thành sản phẩm đặc trưng của xã Phước Hội (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Nhận thấy tiềm năng của loại cây ra củ ngon, bổ dưỡng này, từ năm 2014 đến nay, UBND xã Phước Hội đã hỗ trợ nông dân áp dụng quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, năm 2017, ông Cao Văn Xin (ấp Hội Mỹ, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã cải tạo 1.000m2 đất vườn tạp của gia đình sang trồng khoai mài.
Với mô hình trồng khoai mài, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, vườn khoai mài cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Để tạo đầu ra ổn định cho cây khoai mài, Tổ liên kết khoai mài Phước Hội đã được thành lập với 5 thành viên trồng trên diện tích 8.500m2.
Ngày 11/7/2023, sản phẩm khoai mài của Tổ Liên kết khoai mài đã được cấp giấy chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt-VietGAP.
Ông Cao Văn Xin, tổ trưởng cho biết, đây là một bước quan trọng trong hành trình xây dựng thương hiệu cho khoai mài Phước Hội.
Để cây khoai mài đạt tiêu chuẩn VietGAP, nông dân trong tổ hợp tác đã họp và thống nhất quy trình canh tác. Mọi công đoạn canh tác đều được giám sát và ghi chép đầy đủ.
Thu hoạch khoai mài tại gia đình ông Đinh Công Trường (ấp Hội Mỹ, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Gia đình ông Đinh Công Trường (ấp Hội Mỹ, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đang trồng 4.000m2 khoai mài.
“Tham gia tổ liên kết, tôi và các thành viên của tổ thường xuyên trao đổi, chia sẻ về quy trình kỹ thuật canh tác, liên kết trong sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm… ”, ông Đinh Công Trường nói.
Theo ông Huỳnh Xuân Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hội, xã Phước Hội hiện có 44 hộ trồng khoai mài, với tổng diện tích hơn 5.200m2. Trồng khoai mai, bình quân lợi nhuận đạt khoảng 80-100 triệu đồng/1.000m2/năm.
UBND xã Phước Hội phối hợp Phòng NN-PTNT huyện Đất Đỏ, đơn vị tư vấn hướng dẫn Tổ liên kết trồng khoai mài xã Phước Hội hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm-OCOP năm 2023 và đăng ký cấp mã vùng trồng cho các thành viên.
Song song đó, tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh, nhân rộng mô hình sản xuất khoai mài theo quy trình VietGAP, tập trung mở rộng, phát triển thị trường trong thời gian tới để đưa đặc sản có tiềm năng, thế mạnh này đến với người tiêu dùng.
Nguồn Danviet