Theo Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn có 66 điểm ngập, tăng 34 điểm tại 8 huyện, thị, thành phố, thời gian ngập kéo dài từ 30-120 phút. Trong đó, TP Vũng Tàu có nhiều điểm ngập nhất với 36 điểm, thị xã Phú Mỹ và thành phố Bà Rịa đều có 7 điểm ngập.
Một điểm ngập trên địa bàn TP Vũng Tàu khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn
Nguyên nhân khách quan của tình trạng ngập úng đô thị là do biến đổi khí hậu. Cụ thể, cường độ mưa lớn, thời gian mưa kéo dài kết hợp với triều cường dâng cao. Riêng trên địa bàn TP.Vũng Tàu, quãng đường để nước từ các hồ chứa xả ra nguồn tiếp nhận khá xa, khoảng 12km, làm giảm khả năng thoát nước.
Trong khi đó, các cửa xả cũ hướng ra biển hiện không được xả để bảo vệ bãi tắm. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa, các ao hồ dần dần thay thế bằng công trình xây dựng khác nên nước mưa không có chỗ để thoát.
Các yếu tố trên dẫn đến lượng nước mưa trút xuống mặt đất trong một trận mưa tăng lên và số trận mưa lớn trong năm cũng xuất hiện nhiều hơn. Mực nước biển dâng cao làm giảm độ dốc thủy lực từ hệ thống thoát nước ra biển gây nên tình trạng ngập úng cục bộ tại một số đô thị.
Ngoài ra, ngập úng đô thị còn do nền đô thị chuyển từ mặt đất tự nhiên như: đất, cát, bãi cỏ, ao hồ, vũng trũng, khu vực hạ lưu thoát nước, giờ được san lấp chuyển sang các loại mặt phủ nhân tạo như: mái nhà, sân bãi lát gạch, bê tông, đường nhựa… Nước mưa trước đây tự thấm xuống đất là chính nay chuyển sang chảy tràn trên bề mặt, dồn ra đường, không thu, thoát kịp gây nên ngập.
Theo Sở xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, để hạn chế tình trạng trên, trước mắt, các đô thị cần bổ sung các đoạn cống còn khuyết, các cửa xả để phát huy hiệu quả hệ thống thoát nước hiện hữu, các tuyến thoát nước chính. Về lâu dài ngoài việc đầu tư hệ thống thoát nước thì việc nạo vét các kênh mương, yêu cầu các hộ dân tháo dỡ các công trình lấn chiếm hệ thống thoát nước, cải tạo hồ điều hòa, đầu tư xây dựng hoàn thiện dần, tiến tới đồng bộ hệ thống thoát nước các đô thị.
Nguồn vov.vn