Công việc làm lưới góp phần hiệu quả vào việc khai thác, đánh bắt hải sải xa bờ, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con huyện miền biển Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Để đan được những cheo lưới đạt chất lượng, ngoài việc phải chọn sợi lưới chuẩn, các tay đan phải nắm vững kỹ thuật, kiên trì, tỉ mẩn và thật cẩn thận.
Với gần 80% dân số sống bằng nghề đánh bắt và chế biến hải sản, thị trấn Phước Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu) phát triển mạnh về đánh bắt gần và xa bờ cùng với các dịch vụ nghề cá. Từ đời cha, đời ông, người dân tại đây đã mưu sinh trên biển nên nghề đan lưới truyền thống cũng xuất hiện từ đó.
Trong sân nhà, anh Sang cùng với những người thợ khác đang tất bật làm lưới. Thời điểm này biển động, mưa nhiều, nên các ngư dân thường tránh bão, nghỉ ngơi sau một năm vất vả ra khơi, đồng thời tranh thủ tu sửa lại ngư cụ, chuẩn bị cho một mùa đi biển mới an toàn và bội thu.
Lưới đánh bắt xa bờ có cấu tạo từ 300 đến 500 mắt/m2, cao từ 48-52m, có thể dài từ 3-4km đến 10 hoặc 15km. Loại lưới này có thể đánh những loại cá to từ 3 đến 4 tạ, trong đó chủ yếu là cá ngừ. Do vậy, sợi lưới cứng và rất chắc chắn.
Với 10 người thợ cũng phải mất đến gần một tháng mới có thể hoàn thiện một bộ lưới phục vụ cho những chuyến đánh bắt kéo dài cả 20-25 ngày của ngư dân.
Từng chiếc móc sắc được gắn đố định vào đoạn thừng bện chặt để kết nối với các đoạn lưới. “Làm nghề ngày vất vả, phải dùng sức lực mà cũng phải căn ke chính xác để đảm bảo độ bền lì cho lưới”, anh Sang nói.
Trong quá trình đan và hoàn thiện lưới, người thợ phải dùng lực thật mạnh, hoặc để đảm bảo hơn họ thường cột một đầu cheo vào chỗ chắc chắn cố định để kéo sao cho các mắt lưới xiết lại thật chặt. Giềng được cột vào mắt lưới phải đảm bảo độ vuông và cố định, đảm bảo lưới căng, không lật, gối, không được chạy và biến dạng khi xuống nước.
Lưới đánh bắt gần bờ có 3 màng lưới, mỗi màng được thiết kế với kích thước lưới và mắt lưới khác nhau. Do đó, lưới khai thác được nhiều loại cá ở các tầng nước khác nhau mà vẫn có độ “cuốn” và “bắt”, không để lọt cá trong quá trình khai thác.
Để đan được những cheo lưới đạt chất lượng, ngoài việc phải chọn sợi lưới chuẩn, các tay đan phải nắm vững kỹ thuật, kiên trì, tỉ mẩn và thật cẩn thận.
Mỗi ngày, bà Thủy đan được khoảng hơn 2kg lưới, mang lại thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Công việc làm lưới tại đây đã góp phần cho việc khai thác đánh bắt hải sải xa bờ được hiệu quả và mang lại nguồn thu nhập cho bà con tại huyện miền biển Đất Đỏ.
Ngoài đánh bắt xa bờ, nhiều ngư dân ở Phước Hải còn hành nghề lưới thúng gần bờ. Với số vốn đầu tư ít hơn, chỉ cần bỏ ra 50 – 60 triệu đồng là có một thúng máy để ra biển đánh lưới, người dân có cuộc sống ổn định hơn, nhiều trường hợp thoát nghèo. Hình ảnh cô Hai cùng với con gái đang tự sửa lại lưới sau chuyến ra khơi.
Tận dụng lợi thế về tài nguyên biển, ngư dân ở Phước Hải nói riêng và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung đang tích cực bám biển để khai thác, đánh bắt thủy hải sản. Nhờ đó, nhiều ngư dân đã có được nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống tốt hơn, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương và phát triển bền vững kinh tế biển.
Nguồn vietnamnet.vn