Nhằm hỗ trợ cho hội viên, nông dân ổn định sản xuất và khắc phục những khó khăn do hậu quả của dịch Covid-19, Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã triển khai 9 mô hình sản xuất cây trồng chủ lực, với việc hỗ trợ phân bón hữu cơ trả chậm.
Cụ thể, 9 mô hình sản xuất cây trồng chủ lực, gồm: Lúa, rau an toàn, mãng cầu na, hồ tiêu, thanh long, bưởi, nhãn, bơ và sầu riêng.
9 mô hình sản xuất cây trồng chủ lực kỳ vọng nâng cao thu nhập cho nông dân
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và lãnh đạo Công ty phân bón Trang Linh trao phân bón hữu cơ hỗ trợ xây dựng mô hình.
Theo ông Trần Văn Mảng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, để thực hiện kế hoạch này, Hội nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp, liên kết với Công ty Trang Linh (Bà Rịa-Vũng Tàu) cung ứng phân bón hữu cơ nhằm giúp bà con nông dân trên địa bàn tỉnh có điều kiện đầu tư sản xuất các mô hình.
Qua đó, nâng cao năng suất, sản lượng, giảm chi phí sản xuất, đáp ứng điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và xuất khẩu. Đặc biệt, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Theo đó, mô hình trồng lúa có quy mô 20.000m2 với 10 hộ tham gia. Mô hình sản xuất nông nghiệp này được thực hiện tại xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ). Mô hình trồng rau an toàn có quy mô 10.000m2, với 14 hộ tham gia. Mô hình này thực hiện tại xã Tân Hải, Châu Pha (thị xã Phú Mỹ), xã Kim Dinh (TP.Bà Rịa), xã Suối Rao (huyện Châu Đức).
Ngoài ra, mô hình trồng mãng cầu na có quy mô 1.000 gốc, với 10 hộ tham gia. Mô hình thực hiện tại xã Phước Long Thọ, xã láng dài (huyện Đất Đỏ). Mô hình trồng hồ tiêu có quy mô 3.000 gốc, với 30 hộ tham gia. Mô hình thực hiện tại xã Hòa Hiệp, xã Hòa Hội, xã Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc), xã Quảng Thành, xã Bàu Chinh, xã Sơn Bình (huyện Châu Đức).
Mô hình trồng thanh Long có quy mô 1.000 gốc, với 10 hộ tham gia. Mô hình thực hiện tại xã bưng Riềng, xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc). Mô hình trồng bưởi có quy mô 1.000 gốc, với 10 hộ tham gia. Mô hình thực hiện tại phường Hắc Dịch (thị xã Phú Mỹ), xã Sông Xoài (thị xã Phú Mỹ). Mô hình trồng nhãn có quy mô 500 gốc, với 5 hộ tham gia. Mô hình thực hiện tại xã Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc).
Cùng với đó, mô hình cây bơ có quy mô 800 gốc, với 8 hộ tham gia. Mô hình thực hiện tại xã Xà Bang, Láng Lớn (huyện Châu Đức). Mô hình trồng sầu riêng có quy mô 980 gốc với 14 hộ tham gia. Mô hình thực hiện tại xã Long Phước (TP.Bà Rịa); xã Kim Long, xã Láng Lớn (huyện Châu Đức), xã Long Tân.
Đảm bảo phân bón hữu cơ chất lượng cho mô hình sản xuất cây trồng chủ lực
Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, thực hiện chương trình phối hợp, Công ty Trang Linh sẽ cung ứng phân bón hữu cơ hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh trả chậm giai đoạn 2023-2025.
Các loại phân bón hữu cơ bán trả chậm phải đảm bảo chất lượng, đúng quy định của Bộ NN&PTNT. Đặc biệt, giá cả hợp lý để nông dân chủ động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của từng mô hình điểm.
Những hộ nông dân tham gia chương trình phải đủ điều kiện, như có kỹ năng, kỹ thuật tốt, có khả năng phổ biến tuyên truyền trong nhân dân. Các hội viên nông dân có nhu cầu đăng ký số lượng phân bón trả chậm thông qua Hội Nông dân cấp cơ sở. Hội Nông dân cơ sở tổng hợp và đặt hàng với Ban KT-XH (Hội Nông dân tỉnh).
Về phương thức thanh toán, Hội Nông dân cấp cơ sở thu tiền 50 % giá trị đơn hàng ngay sau khi giao phân bón hữu cơ cho các hộ đăng ký. 50% số tiền còn lại thanh toán sau khi thu hoạch sản phẩm.
Theo ông Mảng, mô hình hỗ trợ phân bón hữu cơ trả chậm cho nông dân đang được triển khai. Tổng cộng, có 106 hộ tham gia 9 loại mô hình với số phân hữu cơ hỗ trợ trên 50 tấn, trị giá trên 200 triệu đồng.
Hội Nông dân tỉnh kỳ vọng, với phân bón chất lượng, giá ưu đãi, trả chậm, nông dân tham gia mô hình sẽ nâng cao thu nhập thời gian tới.
Ban XHD, theo danviet.vn