Bộ Công an vừa có Báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Theo đó, báo cáo gồm 4 nhóm vấn đề lớn thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Công an. Trong phiên chất vấn sáng 10/8, trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao; Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Khởi tố 474 vụ, 1071 bị can sử dụng công nghệ cao phạm tội
Về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên mạng Internet, báo cáo nêu rõ, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao toàn quốc đã phát hiện, khởi tố 474 vụ án, 1.071 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Trong đó, nổi lên là tội phạm đánh bạc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”…
Bên cạnh đó, xuất hiện một số băng nhóm do đối tượng là người nước ngoài cầm đầu tổ chức tấn công vào hệ thống ngân hàng; sử dụng các thiết bị giả trạm thu phát sóng di động (BTS) nhắn tin để đánh cắp thông tin, lừa đảo; tổ chức lôi kéo người Việt Nam sang các nước để lập các đường dây, ổ nhóm phạm tội sử dụng công nghệ cao vào trong nước, tránh sự điều tra, xử lý của cơ quan Công an Việt Nam.
Về tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, mặc dù thủ đoạn không mới, song cách thức tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, với số lượng lớn bị hại tại nhiều địa phương trên cả nước, nổi lên với các thủ đoạn như: Thông qua hoạt động của các sàn đầu tư chứng khoán, giao dịch vàng trên thị trường ngoại hối (forex), quyền chọn nhị phân (BO), giao dịch tiền “ảo”, vàng “ảo”, ngoại tệ “ảo”, dự án bất động sản… hoặc hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép qua mạng để quảng cáo.
Đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng trực tuyến, nhận việc làm tại nhà, bỏ tiền tạm ứng hoặc thanh toán trước đơn hàng, sau đó được nhận tiền công cộng với lãi đơn hàng và tiền thưởng; tuy nhiên, sau khi thanh toán đơn hàng và đặt hàng, người lao động bị chiếm đoạt số tiền tạm ứng hoặc thanh toán đơn hàng. Lợi dụng hoạt động cho vay trên mạng, nhất là vay ngang hàng (P2P Lending) hoặc cố tình chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác để tạo cớ dẫn dụ nạn nhân vay tiền, cam kết thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp, với lãi suất lên tới 90% -100% nhằm chiếm đoạt tiền…
Gần 1.300 GB dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép
Chỉ trong hai năm 2019 – 2020, Bộ Công an phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân. Một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam đã bị phát hiện, đấu tranh, xử lý. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới gần 1.300 GB, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm. Trước tình hình đó, Bộ Công an tham mưu Chính phủ xin ý kiến UBTVQH, Bộ Chính trị chủ trương ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân; coi đây là giải pháp then chốt để phòng ngừa, đấu tranh với thực trạng buôn bán, xử lý dữ liệu cá nhân tràn lan như hiện nay.
Xác định đối tượng “nguồn tin trọng điểm” đấu tranh, xử lý nghiêm
Thời gian qua, tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội đáng báo động và đang diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng gia tăng. Các đối tượng triệt để lợi dụng các tính năng của mạng xã hội để tuyên truyền, vu cáo, ý đồ kích động chống Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, gây rối loạn về thông tin… Thủ đoạn phổ biến tạo lập các tài khoản cá nhân mạng xã hội mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu chính quyền các cấp, mạo danh người nổi tiếng; chỉnh sửa các thông số kỹ thuật của tập tin thời gian để đăng tải tin giả, tin sai sự thật nhằm dẫn dắt dư luận; lợi dụng các sự kiện “nóng”, các “vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội” để tạo dựng thông tin giả mạo, đánh lừa dư luận.
Bên cạnh đó, xuất hiện hiện tượng số đối tượng xấu vì động cơ vụ lợi kinh tế, đã tạo dựng tin giả, tin sai sự thật, tán phát trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội để thu hút người dùng tương tác nhằm thu về lợi ích từ việc bán hàng, ủng hộ, tài trợ bằng tiền, lợi ích vật chất… gây hoang mang dư luận. Tình trạng tràn lan các video có nội dung nhảm nhí, giật gân trên mạng xã hội nhằm lôi kéo người xem để kiếm tiền. Thậm chí, một số đối tượng tìm mọi cách để nổi tiếng trên mạng xã hội, kể cả việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, sản xuất các nội dung phản cảm, thiếu tính giáo dục, giả mạo thông tin, kích động bạo lực, bôi nhọ, nói xấu chính quyền…
Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác theo dõi, rà quét thông tin trên mạng xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trên địa bàn có hành vi phát tán các tin giả, phản động, xấu độc, vi phạm pháp luật. Phối hợp với Bộ TT&TT triển khai nhiều giải pháp đấu tranh đồng bộ về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam; qua đó kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, hiệu quả công tác đấu tranh với hành vi đưa tin không chính xác, phát tán các video phản cảm, độc hại trên mạng Internet vẫn chưa tương xứng với thực trạng. Nguyên nhân là do người sử dụng cho rằng, khi cung cấp, phát tán thông tin trên các nền tảng mạng xã hội của nước ngoài khó bị phát hiện danh tính, có tư tưởng “vô danh nên vô trách nhiệm”, không sợ bị xử lý nên tự do phát ngôn và không nghĩ đến hậu quả. Người dân khó có căn cứ, cơ sở để xác định tin thật nếu cơ quan chức năng không kịp thời xác nhận nên tiếp tục phát tán theo cấp số nhân, nhất là những vấn đề “nóng” được nhiều người quan tâm, gây hoang mang trong xã hội…
Thời gian tới, Bộ Công an sẽ chủ động bám sát diễn biến tình hình, nhất là các vấn đề, vụ việc nhạy cảm, phức tạp có nguy cơ bị các đối tượng khai thác để tạo dựng, tán phát, chia sẻ thông tin giả mạo, tin sai sự thật; chủ động rà soát, đánh giá xác định đối tượng “nguồn tin trọng điểm” để đôn đốc, hướng dẫn, điều phối tổ chức truy tìm, đấu tranh, xử lý, xử phạt nghiêm minh với những hành vi cố tình đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật lên mạng xã hội, hành vi xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá, vô hiệu hóa thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật…
Bị chú “nơi sinh” vào hộ chiếu mẫu mới khi công dân có đề nghị
Về vấn đề hộ chiếu mới không có thông tin nơi sinh, báo cáo của Bộ Công an cho biết, theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), các thông tin khác như nơi sinh tùy thuộc vào từng quốc gia, không bắt buộc phải có. Theo quy định tại khoản 3, Điều 6, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, các thông tin trên hộ chiếu không có nơi sinh. Do đó, trên cơ sở quy định tại khoản 3, Điều 6 và khoản 3, Điều 45, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 73; theo đó mẫu hộ chiếu mới ban hành theo Thông tư không có thông tin nơi sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân ta trong quá trình nhập cảnh.
Về vấn đề một số nước Châu Âu thông báo từ chối cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam: Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã làm việc với các cơ quan chức năng của các nước và xác định đây là vấn đề mang tính kỹ thuật, hộ chiếu thiếu nơi sinh sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý của các nước sở tại. Do đó, để giải quyết vấn đề trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân ta khi làm thủ tục xin thị thực vào các nước trong khu vực Schengen gồm 26 quốc gia Châu Âu, Bộ Công an đã thống nhất với Bộ Ngoại giao trước mắt tiến hành bị chú “nơi sinh” vào hộ chiếu mẫu mới cho công dân khi công dân có đề nghị. Về lâu dài sẽ tiến hành sửa đổi mẫu hộ chiếu, trong đó bổ sung mục “nơi sinh” trang nhân thân hộ chiếu (Bộ Công an đang lấy ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao về vấn đề này).
Tính đến 5/8/2022, Bộ Công an đã cấp được hơn 67,9 triệu thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chip; đồng thời tích cực triển khai các giải pháp để cố gắng phấn đấu hoàn thành việc cấp CCCD gắn chip cho toàn bộ người dân có đủ điều kiện trước ngày 30/9/2022 (Riêng công dân tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương dự kiến hoàn thành trong tháng 8). Cùng với việc đẩy mạnh cấp CCCD gắn chíp điện tử, ngày 18/7/2022, Bộ Công an đã hoàn thành xây dựng và công bố hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức, đây là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia (tài khoản định danh điện tử có thể được xem như “CCCD trên mạng”); đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, tích hợp thông tin trên thẻ căn cước tạo thuận lợi nhất cho người dân…
Ban XDH, theo cand.com.vn