Ngày 25/5, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội.
Hội thảo nhằm trao đổi, đánh giá những kết quả đạt được trong công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam giai đoạn 2013-2021, làm cơ sở xây dựng Đề án trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội.
Nhằm ngăn ngừa nguy cơ suy thoái
Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Lê Tiến Châu thì công tác giám sát, phản biện xã hội là hoạt động đặc thù, mang tính nhân dân, tính xã hội rộng rãi, là phương thức để nhân dân góp sức, hiến kế với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, quyết sách, là hoạt động quan trọng nhằm ngăn ngừa nguy cơ suy thoái trong Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và xác định công tác giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, cần khắc phục những khó khăn, hạn chế nhằm tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, nâng cao lực, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.
Huy động sự tham gia của nhân dân
Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ – Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, Ủy ban MTTQ các cấp cần chủ động, chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức, chính quyền xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm; đồng thời tập trung giám sát, phản biện xã hội những chính sách pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; liên quan đến quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam; các chương trình, dự án, đề án về kinh tế, xã hội của địa phương…
Đặc biệt trong quá trình hoạt động giám sát, Mặt trận các cấp phải huy động sự tham gia của nhân dân, đoàn viên, hội viên, phóng viên của các cơ quan truyền thông nhà nước, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp trong hoạt động giám sát.
Theo Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha thì cần xác định các chương trình triển khai sao cho vừa sức, không dàn trải, lấy chất lượng làm chính.
Mặt trận cấp tỉnh, cấp huyện căn cứ vào tình hình thực tế mỗi địa phương để lựa chọn nội dung giám sát cho phù hợp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ định hướng chứ không áp đặt.
Cần có quy định cụ thể về quy chế làm việc
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Đàm Văn Huân cho rằng, thời gian qua, hoạt động giám sát, góp ý của nhân dân với Đảng, chính quyền các cấp còn nhiều bất cập. Để khắc phục thì cần tăng cường sự lãng đạo của các cấp ủy đảng về công tác giám sát, phản biện xã hội, trong đó cấp ủy các cấp cần có quy định cụ thể về quy chế làm việc giữa cấp ủy với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp về công tác giám sát, phản biện xã hội; có nghị quyết về công tác lãnh đạo chỉ đạo chính quyền các cấp tiếp thu và thực hiện các kiến nghị giám sát của mặt trận; cần thiết cụ thể hóa bằng việc xây dựng Luật Giám sát, phản biện xã hội.
Theo ông Lê Đức Kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các cấp chủ động xây dựng chương trình cả nhiệm kỳ, cụ thể hóa thành kế hoạch từng năm nhằm hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động về hoạt động giám sát và phản biện xã hội với các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức thành viên khác có liên quan, phân công nhiệm vụ cụ thể; hằng năm đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm, có khen thưởng động viên kịp thời.
Để tiếp tục duy trì và thực hiện các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội, ông Nguyễn Hưng Vượng, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang cho rằng, cấp ủy Đảng, chính quyền ở địa phương tiếp tục quan tâm đảm bảo điều kiện về tài chính, vật chất thực thi công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; có chế độ đãi ngộ phù hợp để khuyến khích cán bộ Mặt trận.
Tăng cường nhận thức về công tác giám sát, phản biện
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, nội dung của chỉ thị thì phải tăng cường nhận thức của các cấp ủy tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội; xây dựng chuyên đề giám sát, phản biện xã hội tránh hiện tượng dàn trải, rời rạc, từ đó phát huy được tiếng nói của Mặt trận đối với hoạt động này.
Từ những ý kiến của đại biểu tham dự hội thảo, Ban Soạn thảo cần tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo đề án, tờ trình, chỉ thị để trình Đảng Đoàn MTTQ Việt Nam; đồng thời gửi nội dung các dự thảo xin ý kiến các ban, ngành, lãnh đạo các tổ chức chính trị – xã hội để hoàn thiện các văn bản này trước khi trình Ban Bí thư theo đúng tiến độ thời gian đề ra, ông Đỗ Văn Chiến lưu ý.
Ban XDH, theo thanhtra.com.vn