Kết hợp giữa phát triển nông nghiệp và du lịch để tạo nên những sản phẩm độc đáo là hướng đi bền vững, đang được các cấp Hội Nông dân phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân triển khai nhằm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.
NHỮNG MÔ HÌNH MỚI
Với diện tích gần 2ha, Hoa viên Song Ngân (thôn 4, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) được đầu tư gần 20 tỷ đồng, thiết kế theo hướng du lịch sinh thái, tạo điểm tham quan cho du khách.
Hoa viên Song Ngân tại thôn 4, xã Suối Rao (huyện Châu Đức) được thiết kế theo hướng du lịch sinh thái, tạo điểm tham quan thân thiện với môi trường. |
Bà Nguyễn Thị Ngọc Giàu (42 tuổi, ở quận 9, TP. Hồ Chí Minh) – chủ Hoa viên Song Ngân cho biết, bà xây dựng hoa viên này với mong muốn mang đến mô hình lưu trú, điểm tham quan thân thiện với thiên nhiên tại vùng nông thôn Châu Đức.
Hoa viên nằm ở vị trí thuận lợi về giao thông, sẽ là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách trên đường từ TP. Hồ Chí Minh đến các khu du lịch Hồ Tràm, Hồ Cốc, của Bà Rịa-Vũng Tàu. Du khách đến đây có thể nghỉ qua đêm, câu cá, hái rau sạch, dừa xiêm và thưởng thức ăn các món đồng quê hoặc kết hợp tham quan các trang trại nuôi cá chình, cá nước ngọt trên địa bàn xã.
Tham quan vườn và thu hoạch nhãn xuồng cơm vàng tại HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Nhân Tâm, xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) cũng là trải nghiệm thú vị với du khách. |
“Bữa ăn của khách là sản phẩm do chính tay họ thu hoạch. Ngoài ra, khách tham quan có thể mua thực phẩm từ trang trại về làm quà. Hy vọng mô hình này sẽ hấp dẫn du khách, bởi nó mang đến nhiều trải nghiệm mới so với các hình thức tham quan thông thường. Dự kiến, Hoa viên Song Ngân sẽ đi vào hoạt động trong tháng 9/2022”, bà Giàu cho biết thêm.
Sau 2 năm nhân đàn, anh Trần Đức Văn (ấp Thèo Nèo, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) đã thành công khi sở hữu hơn 250 tổ ong dú. Mỗi năm, anh Văn thu được khoảng 100 lít mật ong dú, giá bán 1 – 1,2 triệu đồng/lít. Anh cũng hướng đến mô hình chăn nuôi ong gắn với điểm tham quan du lịch, trải nghiệm sản phẩm. Theo đó, du khách có thể tham quan kết hợp mua sản phẩm làm quà. Hiện tại, mô hình nuôi ong này mang lại cho anh nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Tại xã Bình Châu còn có anh Trần Đức Toản (36 tuổi), hiện đang nuôi khoảng 700 đàn ong. Mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 200 thùng ong giống và khoảng 300 lít mật.
TRIỂN VỌNG GẮN VỚI DU LỊCH
Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp với các vườn cây ăn trái, trang trại chăn nuôi, miệt vườn, làng nghề truyền thống… Từ các vùng ven biển đến các huyện Long Điền, Xuyên Mộc, Châu Đức không khó để bắt gặp các mô hình sản xuất nông nghiệp có triển vọng gắn với du lịch.
Ông Mai Minh Quang (giữa), Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh tham quan vườn hoa lan của hộ ông Nguyễn Văn Hồng, KP. Hải Điền, TT. Long Hải (huyện Long Điền). |
Qua khảo sát, Hội Nông dân tỉnh nhận thấy trên địa bàn có 16 mô hình sản xuất nông nghiệp triển vọng gắn với du lịch. Chẳng hạn, huyện Xuyên Mộc có mô hình nuôi ong dú lấy mật, nhãn xuồng cơm vàng, tiêu Bầu Mây; huyện Châu Đức có các trang trại nuôi cá chình, cá nước ngọt, trồng nấm linh chi, Hoa viên Song Ngân, chế biến các sản phẩm từ trái ca cao; huyện Long Điền có vườn trồng hoa lan, trồng táo…
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh nhận định, nhu cầu tham quan trải nghiệm nông trại miệt vườn của khách du lịch ngày càng tăng. Đáp ứng nhu cầu của du khách, thời gian qua, nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp đã ra đời và tạo được thương hiệu thu hút du khách như tour du lịch tham quan mô hình trồng ca cao, trang trại nuôi cá nước ngọt, trồng rau thủy canh (huyện Châu Đức); tham quan vườn nhãn, tiêu Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc) hay những vườn hoa lan, vườn táo (huyện Long Điền)…
Dù đã có nhiều sản phẩm thành công, nhưng mô hình phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch vẫn còn những khó khăn nhất định. Cái khó đầu tiên là sự đồng nhất về chất lượng sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ du lịch; thứ hai là nhận thức, kỹ năng của nông dân về du lịch nông nghiệp còn hạn chế. Muốn phát triển mô hình này, cần phải khắc phục những khó khăn đó.
Ông Mai Minh Quang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, nông nghiệp là ngành nghề mang lại thu nhập chính cho nông dân. Bên cạnh đó, du lịch phát triển dựa trên tài nguyên nông nghiệp cũng làm cho các sản phẩm nông nghiệp gia tăng giá trị.
“Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các ngành chức năng và địa phương tạo điều kiện về vốn, quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm; liên kết các doanh nghiệp du lịch để đưa khách đến tham quan, mua sắm tại vườn, trang trại. Qua đó góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ, nâng cao giá trị gia tăng và tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn”, ông Mai Minh Quang nhấn mạnh.
Ban XDH, theo BaoBR-VT