Bà Rịa – Vũng Tàu hướng đến mục tiêu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính.
Một trong 8 tỉnh phát sóng 5G
Ông Trần Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Thời kỳ đầu, khi mới thành lập, tỉnh chỉ có một doanh nghiệp bưu chính – viễn thông, ở mỗi đơn vị hành chính cấp huyện chỉ có các bưu cục tập trung ở các đô thị trung tâm. Mật độ điện thoại năm 1991 chỉ đạt khoảng 0,8 máy/100 dân. Sau 30 năm, hệ thống hạ tầng viễn thông có bước phát triển mang tính đột phá, tiên phong, bảo đảm phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Đến nay tại 100% số xã, phường, thị trấn đều có trạm thu, phát sóng di động 3G/4G. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối băng thông rộng cố định đạt gần 88% (xếp thứ 3 trên toàn quốc) và tỷ lệ thuê bao di động trên 91% (xếp thứ 4 trên toàn quốc)”.
Tháng 9.2021, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong 8 tỉnh đầu tiên trong cả nước phát sóng và khai trương mạng thông tin di động 5G, đáp ứng hạ tầng viễn thông băng thông rộng tốc độ cao để đẩy nhanh công cuộc số hóa và mục tiêu hình thành xã hội số trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển chính quyền điện tử tuy mới được triển khai trong thời gian gần đây nhưng đã có những tiến bộ. Có trung tâm tích hợp dữ liệu dùng chung trên nền tảng cloud đầu tiên trong cả nước. Mạng truyền số liệu chuyên dùng được các cơ quan, đơn vị duy trì, bảo đảm đáp ứng việc vận hành kết nối các ứng dụng dùng chung, như: phần mềm Một cửa điện tử, phần mềm Quản lý văn bản và điều hành… Đến nay 100% các cơ quan, đơn vị đều kết nối đường truyền số liệu chuyên dùng với tốc độ băng thông 30Mbps đối với Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh, 10Mbps đối với các sở, ban, ngành và cấp huyện, 4Mbps đối với cấp xã. Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai đến 21 sở, ban, ngành, 8 UBND huyện, thị xã, thành phố, 82 xã, phường thị trấn, đáp ứng việc liên thông 4 cấp. Đến nay, trên 90% CBCCVC sử dụng thư công vụ trong trao đổi công việc, góp phần tiết kiệm thời gian, giấy tờ, trao đổi công việc nhanh chóng, thuận tiện và đảm bảo an toàn. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được triển khai và đưa vào sử dụng phục vụ công tác chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động quản lý và điều hành, như: Cơ sở dữ liệu ngành Tài nguyên Môi trường, Cơ sở dữ liệu về Đăng ký doanh nghiệp, Quản lý CBCCVC, cơ sở dữ liệu về Giá, cơ sở dữ liệu về Hộ tịch, phần mềm Tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại tố cáo…
Phát triển đô thị thông minh
Bà Rịa – Vũng Tàu hướng đến mục tiêu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) gắn với cải cách hành chính. Mục tiêu của đề án “Phát triển ĐTTM tỉnh giai đoạn 2020-2022, định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” là xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành ĐTTM với trọng tâm là xây dựng Trung tâm điều hành ĐTTM tập trung của tỉnh.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết mô hình này lấy chính quyền điện tử làm nòng cốt để nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý nhà nước, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đồng thời, tạo ra kênh thông tin kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước, giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp và tổ chức.
Mục tiêu đến năm 2030, Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp cận được với các ĐTTM trong khu vực và trên thế giới dựa trên 6 lĩnh vực chủ yếu: Nền kinh tế thông minh; Quản trị thông minh; Môi trường thông minh; Giao thông thông minh; Cư dân thông minh; Cuộc sống văn minh và một số lĩnh vực khác. Kinh phí thực hiện Đề án phát triển ĐTTM hơn 3.500 tỉ đồng. Theo đó, BR-VT sẽ xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và truyền thông sẵn sàng, đủ điều kiện tối thiểu cho phát triển các dịch vụ ĐTTM, xây dựng trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM tỉnh.
“Bà Rịa – Vũng Tàu xác định việc xây dựng và phát triển ĐTTM không chỉ là ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất mà là sử dụng công nghệ một cách thông minh nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc trang bị cho nguồn nhân lực những kỹ năng cần thiết là rất quan trọng, không chỉ là những kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, mà còn phải là kỹ năng nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo không ngừng”, ông Trần Văn Tuấn nhấn mạnh.
Ban XDH, Theo thanhnien.vn