Ngày 21-10, Bộ Y tế đã có Công văn khẩn số 8938/BYT-DP gửi Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông; UBND các tỉnh, thành phố; các đơn vị trực thuộc Bộ; Y tế các bộ, ngành về việc hướng dẫn quy trình xác minh thông tin và tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Hiện, cả nước đã triển khai tiêm hơn 69 triệu mũi vắc xin phòng Covid-19. Trong đó, nhiều người đã được tiêm nhưng còn thiếu, không có hoặc sai thông tin về tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 dẫn đến ảnh hưởng đến việc xác định thông tin về tiêm chủng cho công dân.
Chính vì vậy, ngày 16-10, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã họp thống nhất về việc chia sẻ, xác thực thông tin tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cụ thể, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, quy trình xác minh thông tin và tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại địa phương hay tại cơ sở tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 gồm 4 bước:
Bước 1: Điều tra cơ bản trước khi lập kế hoạch tiêm chủng: Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (cấp xã) chỉ đạo trạm y tế cấp xã phối hợp với công an cấp xã (kết hợp với điều tra cơ bản người trong độ tuổi cấp căn cước công dân), tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng… lập danh sách (bằng cách tiếp nhận thông tin đăng ký tiêm trực tiếp, thông qua dữ liệu trên Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 do người dân tự đăng ký hoặc đăng ký theo tổ chức) có nhu cầu tiêm mũi 1, chuẩn bị tiêm mũi 2, gửi công an cấp xã để kiểm tra, xác minh thông tin của người dân.
Ở bước này, đối với cơ sở tiêm chủng tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế hướng dẫn người đứng đầu đơn vị triển khai tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 (Cơ sở tiêm chủng) lập danh sách đối tượng tiêm theo quy định, gửi chính quyền xã, phường, thị trấn (cấp xã) trên địa bàn để kiểm tra, xác minh thông tin của người dân.
Bước 2: Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo Công an cấp xã tiến hành đối chiếu thông tin của công dân trong dữ liệu dân cư để yêu cầu người dân bổ sung, hoàn chỉnh thông tin, sau đó xác nhận và gửi lại trạm y tế xã, phường để quản lý. Không thực hiện xác minh thông tin đối với trường hợp không phải là công dân Việt Nam.
Trường hợp người trong danh sách chưa có thông tin hoặc có thông tin không chính xác với dữ liệu dân cư, cơ quan Công an cấp xã có trách nhiệm xác minh bổ sung và gửi lại danh sách cho trạm y tế cấp xã. Thời gian gửi lại danh sách đã được xác minh không quá 2 ngày kể từ ngày trạm y tế lập danh sách.
Bước 3: Trạm y tế cấp xã/cơ sở tiêm chủng trên cơ sở dữ liệu được xác minh của công an lập kế hoạch, tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế (ưu tiên lập kế hoạch chung, kết hợp việc cấp Căn cước công dân và tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, để tạo thuận lợi cho người dân).
Người đến tiêm phải mang Căn cước công dân hoặc thông báo số định danh cá nhân có mã QR do công an cấp và giấy xác nhận tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trước đó (nếu có).
Điểm tiêm chủng kiểm tra, đối chiếu các thông tin và cập nhật, bổ sung các thông tin tiêm chủng (nếu có), thực hiện tiêm chủng, nhập thông tin về mũi tiêm mới trên Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.
Bước 4: Sau khi hoàn thiện việc nhập dữ liệu cho đối tượng đã tiêm chủng, Chủ tịch UBND cấp xã ký chứng thư số đối với dữ liệu kết quả tiêm trên Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. Trong thời gian chưa có chứng thư số, Chủ tịch UBND cấp xã chủ trì lập biên bản giữa các bên liên quan xác nhận tính chính xác của dữ liệu kết quả tiêm.
Để triển khai đồng bộ xác minh đầy đủ, Bộ Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung theo quy trình xác minh thông tin và tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 nêu trên.
hanoimoi.com.vn