Hiện các làng trồng hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bắt đầu xuống giống nhiều loại hoa cúc có thời gian sinh trưởng dài ngày. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người trồng đang lo lắng, dè dặt trong việc xuống giống khiến diện tích các làng hoa bị giảm đáng kể.
Mọi năm, thời điểm này, tại làng trồng hoa Kim Dinh, thành phố Bà Rịa – làng hoa lớn nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã rất tấp nập. Cả một vùng rộng lớn, cảnh người xếp chậu ra vườn, vào đất, trồng hoa… rộn ràng. Thế nhưng, hiện cả làng chỉ lác đác vài người ra đồng. Trên các ruộng trồng hoa, số chậu đã giảm đi rất nhiều.
Gia đình anh Nguyễn Phạm Thanh Hùng, khu phố Hải Dinh, phường Kim Dinh bắt đầu xuống giống cúc hoa đại đóa chuẩn bị bán phục vụ Tết Nguyên đán. Năm nay, anh Hùng dự định xuống 70.000 chậu cúc đại đóa và pha lê, giảm khoảng 10.000 chậu so với năm ngoái. Dù năm nay chủ động được giống hoa, không phụ thuộc vào thị trường Đà Lạt hay Thái Lan nhưng anh cũng không dám mạnh tay đầu tư như mọi năm vì tâm lý lo ngại khó về có đầu ra.
Trồng hoa là nghề gắn bó nhiều năm, nên nếu muốn chuyển đổi thì anh Hùng cũng không biết phải trồng cây gì. Nghề trồng hoa nhiều năm nay đã là nghề làm giàu cho người dân ở làng hoa Kim Dinh. Bởi vậy, ai cũng mong “mưa thuận gió hòa”, dịch COVID-19 kiểm soát tốt để cuối năm có mùa bội thu – anh Hùng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Khánh cũng là người trồng hoa lâu năm ở phường Kim Dinh nhưng năm nay cũng không dám trồng nhiều như mọi năm. Ông Khánh chỉ dám xuống giống khoảng 2.000 chậu hoa các loại như: cúc đại đóa, cúc pha lê, mào gà, hướng dương… Số lượng chậu đã giảm 50% so với vụ hoa năm ngoái.
Ông Khánh chia sẻ, năm nay thời tiết thuận lợi cho việc trồng hoa, lượng mưa vừa đủ để cây phát triển. Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với nhiều đợt giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của người dân. Nhiều người trồng hoa rơi vào tình trạng thiếu vốn sản xuất nên rất lo lắng về đầu ra, sợ khó tiêu thụ trong khi chi phí giống, phân, thuốc năm nay đều tăng khoảng 20% so với năm ngoái.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Nông dân phường Kim Dinh, thành phố Bà Rịa, năm nay, diện tích xuống giống hoa của làng hoa Kim Dinh chỉ vào khoảng 16 ha, giảm khoảng hơn 6 ha so với mọi năm.
Kim Dinh là làng hoa lớn và lâu đời nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Mỗi năm, để phục vụ thị trường hoa Tết, làng hoa có khoảng 150 hộ trồng các loại hoa như: cúc đại đóa, cúc pha lê, mào gà, cát tường, ly, dạ yến thảo, hướng dương, cẩm chướng…
Xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ cũng một làng hoa cũng khá nổi tiếng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tại đây, nông dân cũng đang xuống giống vụ hoa chuẩn bị bán phục vụ thị trường Tết Nguyên đán như cúc đại đóa. Các loại hoa ngắn ngày hơn thì giữa tháng 9 âm lịch, người dân sẽ bắt đầu xuống giống.
Ông Nguyễn Văn Hôn, ấp Phước Trung, xã Phước Long Thọ là hộ trồng hoa lớn nhất nhì tại làng hoa này cho biết, vụ hoa Tết năm nay, gia đình phải giảm 50% số lượng chậu hoa, còn khoảng 50.000 chậu; trong đó, cúc đại đóa 1.000 chậu. Thời gian qua, do giãn cách xã hội, việc đi lại mua cây giống gặp nhiều khó khăn.
Dù đã phải giảm số lượng trồng nhưng đến giờ ông mới mua được giống hoa cúc đại đóa. Các loại hoa khác như mào gà, cát tường, cẩm chướng, dạ yến thảo, hướng dương… thì ông đã đặt giống từ đầu năm ở Lâm Đồng và Thái Lan nhưng đến nay vẫn chưa được nhận hàng để xuống giống; trong khi, chỉ còn hơn nửa tháng nữa là đến thời điểm phải xuống giống các loại hoa ngắn ngày này. Do đó, ông Hôn lo không kịp trồng đúng thời vụ.
Bước vào vụ sản xuất hoa phục vụ Tết nguyên đán, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khuyến cáo nông dân tính toán trồng các loại hoa dễ tiêu thụ trong dịp Tết. Bên cạnh đó, người trồng nên tính toán giảm diện tích để tránh rủi ro trong khâu tiêu thụ.
Theo thống kê từ ngành nông nghiệp, vụ hoa Tết năm nay, nông dân trên địa bàn xuống giống khoảng 100 ha, giảm 20 ha so với vụ hoa Tết năm ngoái.
Theo baotintuc.vn