Năm 1992, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về Môi trường và Phát triển tại Rio de Janeiro (Brazil), Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 22-3 hằng năm là ngày Nước thế giới và ngày 22-3-1993 là ngày Nước thế giới đầu tiên. Từ đó đến nay ngày này được tổ chức hằng năm.
Mỗi năm, Ngày Nước Thế giới có một chủ đề để phản ánh những khía cạnh khác nhau về nước. 1994 – Chăm sóc tài nguyên nước là trách nhiệm của mọi người; 1995 – Nước và Phụ nữ; 1996 – Nước cho các thành phố đang khát; 1997 – Nước trên thế giới liệu có đủ?; 1998 – Nước ngầm – nguồn tài nguyên vô hình; 1999 – Mọi người đều ở “hạ lưu”; 2000 – Nước cho thế kỷ 21; 2001 – Nước và sức khỏe; 2002 – Nước để phát triển; 2003 – Nước cho tương lai; 2004 – Nước và thiên tai; 2005 – Nước cho cuộc sống 2005 – 2015; 2006 – Nước và Văn hóa; 2007 – Đối phó với tình trạnh khan hiếm nước; 2008 – Năm Quốc tế về Vệ sinh; 2009 – Chia sẻ nguồn nước, Chia sẻ cơ hội; 2010 – Nước sạch cho một thế giới khỏe mạnh; 2011 – Nước cho phát triển đô thị; 2012 – Nước và an ninh lương thực; 2013 – Hợp tác vì nước; 2014 – Nước và Năng lượng; Năm 2015 – Nước và phát triển bền vững; Năm 2016 – Nước và Việc làm; Năm 2017 – Nước thải; Năm 2018 – Nước với Thiên nhiên; Năm 2019 – Nước cho tất cả – Không để ai bị bỏ lại phía sau; Năm 2020 – Nước và Biến đổi Khí hậu.
Nhân Ngày Nước thế giới 22/3 năm 2021, Liên Hợp quốc đã phát động chủ đề “Valuing watwer – Giá trị của nước”. Ngày Nước thế giới năm 2021 tập trung vào việc tôn vinh giá trị của nước và nâng cao nhận thức cộng đồng về cuộc khủng hoảng nước toàn cầu, với trọng tâm cốt lõi là thúc đẩy các hành động để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững 6: Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030.
Chủ đề của Ngày Nước Thế giới năm 2021 nhằm nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng, giá trị của tài nguyên nước về mặt kinh tế, văn hóa và xã hội; tăng cường các giải pháp hiệu quả bảo vệ nguồn nước trước áp lực của các hoạt động phát triển và biến đổi khí hậu. Thực tế, giá trị của nước cao hơn nhiều so với giá cả của nó – Nước có giá trị to lớn và phức hợp đối với mỗi hộ gia đình, thực phẩm, văn hóa, sức khỏe, giáo dục, kinh tế và sự toàn vẹn của môi tường tự nhiên. Nếu bỏ qua bất kỳ giá trị nào trong số này, chúng ta có nguy cơ quản lý sai nguồn tài nguyên hữu hạn và không thể thay thế này. Nếu không có sự hiểu biết toàn diện về giá trị thực sự, đa chiều của nước, chúng ta sẽ không thể bảo vệ nguồn tài nguyên quan trọng này vì lợi ích của tất cả mọi người.
Đối với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay có 30 hồ chứa nước với quy mô trung bình và nhỏ. Các hồ này có chức năng cấp nước nông nghiệp, sinh hoạt và công nghiệp, dịch vụ. Nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được lấy từ 8 hồ chứa nước: Đá Đen, Sông Ray, Sông Hỏa, Kim Long, Núi Nhan, Đá Bàng, Suối Các, Châu Pha (không tính huyện Côn Đảo). Trong đó, hồ Đá Đen và hồ Sông Ray là nguồn cung cấp nước chính và chủ yếu. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 6 đơn vị cung cấp nước sạch phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh. Mùa khô năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 14748/UBND-VP giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức việc bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh vụ Đông Xuân năm 2020-2021. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước vụ Đông Xuân 2020-2021; lưu ý xác định nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn chi tiết đến từng vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể. Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ Đông Xuân; bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thời vụ gieo trồng phù hợp với khả năng nguồn nước.
TẤN PHƯỚC – HND tỉnh