Chủ tịch THACO: Tại sao làm nông dân lại phải giải cứu. Nếu chúng ta làm kinh doanh mà chờ phải giải cứu thì không phải là nhà kinh doanh
Sáng 21/2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp”. Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng, xác định giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp.
Hội nghị có sự tham dự của gần 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, đại diện hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Hội nghị trực tuyến về “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp”
Sau khi các bộ, ngành nêu thực trạng về tình hình cơ giới hóa và chế biến sâu trong lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp nêu ý kiến trước, qua đó để bộ, ngành nắm được những nút thắt, vướng mắc để tháo gỡ cũng như phát huy các thế mạnh của ngành nông nghiệp.
Phát biểu đầu tiên, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Cổ phần THACO, một đơn vị bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp từ 3 năm nay, cho rằng, cần cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp, trong đó phải dựa vào nhu cầu thị trường thế giới và yêu cầu của thị trường nội địa. Theo đó, phải theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ phù hợp để tổ chức sản xuất chất lượng và sản lượng ổn định gắn với các thị trường. Song song với đó, sau khi các tập đoàn đã có mô hình sản xuất kinh doanh, hình thành các chuỗi liên kết thì phải chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.
Nhưng điều quan trọng hơn theo ông Trần Bá Dương, đó là nông dân cũng phải ý thức tham gia vào các chuỗi liên kết, sản xuất với doanh nghiệp.
“Chúng ta không nên coi nông nghiệp nghèo nàn và thấp kém. Tôi rất đồng tình với tình tương thân tương ái, nhưng vừa rồi một số tổ chức tổ chức giải cứu nông sản cho nông dân và nói một cách thái quá. Tôi cũng là nông dân tôi cũng thấy chạnh lòng. Tại sao làm nông dân lại phải giải cứu. Nếu chúng ta làm kinh doanh mà chờ phải giải cứu thì không phải là nhà kinh doanh. Tôi mong các tổ chức xã hội đừng xem việc đổ nông sản này, nông sản kia, đổ đầy đường, rồi chúng ta treo băng rôn giải cứu thì làm mất đi nhuệ khí, thậm chi mất đi tinh thần đúng của thị trường để đi vào nền sản xuất kinh tế thị trường. Khi nông dân ý thức được điều này thì mới dễ hình thành các liên kết”, ông Trần Bá Dương nêu quan điểm.
Cùng chung quan điểm này, bà Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH cho rằng, điểm mấu chốt để giúp nền nông nghiệp Việt Nam cất cánh chính là dựa vào tư duy của doanh nghiệp, tư duy sản xuất, tư duy thị trường, tư duy tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
“Trong nông nghiệp ta nói ngắn gọn có ba khâu, một là sản xuất, hai là chế biến và ba là tiêu thụ. Những khâu này phải dựa trên tư duy của doanh nghiệp, doanh nhân. Việc kết nối nông dân là ai? Đó là hợp tác xã công nghệ cao. Tất cả tư duy này nên để chủ doanh nghiệp đưa ra. Chính phủ phải tạo cơ chế để thúc đẩy điều này. Doanh nghiệp sản xuất cái gì bao giờ cũng gắn với thị trường. Đất đai của chúng ta bỏ cây gì cũng sống, nhưng xuất phát phải là thị trường. Trước đây Chính phủ có nói tôi phải làm bò sữa đâu, và tôi làm nhiều người rất kỳ thị và hoài nghi. Cho nên hãy để doanh nghiệp nhìn nhận về thị trường”, bà Thái Hương đề nghị.
Còn ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, một đơn vị đang xây dựng nhiều nhà máy chế biến rau quả, cho biết. Tiềm năng thị trường là rất lớn, nhất là thị trường EU khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được thông qua. Minh chứng là nhà máy chế biến của Đồng Giao vừa khánh thành tại Gia Lai chưa ngày nào dừng hoạt động. Cho biết sắp tới đơn vị này sẽ tiếp tục xây dựng một số nhà máy chế biến mới, ông Đinh Cao Khuê đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải có vùng nguyên liệu lớn, trong đó ngoài những vùng tập trung thì cần phải liên kết với người nông dân ở địa phương có nhà máy.
Về việc thúc đẩy cơ giới hóa, tự động hóa, ông Đinh Cao Khuê đề nghị, Chính phủ cần đầu tư cho các doanh nghiệp đã có tiềm năng sẵn có.
Cụ thể, ông Khuê đề nghị: “Theo tôi đề nghị là các nghiên cứu lớn, nghiên cứu cơ bản thì dành cho các viện, còn đầu tư cho công nghệ ứng dụng thì cần tập trung cho các doanh nghiệp trong nước, ví dụ như Trường Hải, Vinfast, họ tập trung làm ra nhiều loại máy chế biến rau quả. Bộ Khoa học và Công nghệ nên tập trung cho các doanh nghiệp như thế, sau đó doanh nghiệp chúng tôi đến đặt hàng ngay tại đất nước mình, đảm bảo rất nhanh. Sau này trục trặc gì thì rất dễ xử lý. Bây giờ chúng tôi đặt máy của Đức, Ý, nếu hỏng gì lại phải sang đó đặt hàng thì thời gian rất lâu”.
Cũng về vấn đề cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam Đoàn Xuân Hòa thừa nhận một thực tế là đã từ lâu, hầu như không có doanh nghiệp cơ khí trong nước làm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Do đó, đa số thiết bị, máy móc đều phải nhập khẩu, vừa chi phí cao, vừa gặp nhiều khó khăn.
Một nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là lãi suất tín dụng còn cao, khoảng 8,5%/năm, không có sự chênh lệch nhiều so với lãi suất cho vay thương mại, nên chưa khuyến khích các doanh nghiêp đầu tư các dự án dây chuyền máy móc, thiết bị, các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp.
Do đó Hiệp hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam đề nghị, đối với các doanh nghiệp có sự liên kết với nông dân, có ký hợp đồng tiêu thụ năng suất cho nông dân thì cần xem xét cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để mua sắm các máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa sản xuất./.
Trung Kiên (Theo Vũ Dũng/VOV)