Ảnh minh họa
Ngày 07/8/2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 54-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sau khi nghe Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và ý kiến của các cơ quan có liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận về những kết quả đạt được; hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục thực hiện nghị quyết đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 như sau:
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước ta. Kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết là đóng góp quan trọng, phục vụ trực tiếp để xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Để tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đến năm 2020, với tầm nhìn đến năm 2025 của Nghị quyết, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
1. Rà soát, sửa đối, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các quy định pháp luật khác có liên quan; thể chế hóa các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai đã được nêu tại Nghị quyết Trung ương 6 khoá XI và Kết luận số 36-KL/TW, ngày 06/9/2018 của Bộ Chính trị.
Đẩy mạnh chủ trương tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao. Thực hiện tốt việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang đất nuôi trồng các loại cây, loại con khác có hiệu quả hơn; việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang “đất công nghiệp và dịch vụ nông thôn” phải thực hiện theo nguyên tắc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, quyền lợi của Nhà nước và của nhà đầu tư, không để xảy ra khiếu kiện.
Cân nhắc kỹ, thận trọng, bảo đảm hiệu quả cả về kinh tế, xã hội, môi trường, phát triển bền vững, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng khi thực hiện chuyến đổi một phần đất quy hoạch rừng phòng hộ sang làm đất rừng sản xuất, đất rừng kết hợp với sản xuất nông nghiệp. Thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Quốc hội về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh, phát huy các tiềm năng phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng.
Xử lý kiên quyết, triệt để các vi phạm pháp luật về đất đai; giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, bức xúc của người dân về đất đai, chấm dứt tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, đông người gây mất trật tự, an toàn xã hội.
2. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, trước hết là các cơ chế, chính sách có liên quan đến đất đai, thuế, tín dụng, điện năng, môi trường, thị trường, lao động, đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ; thu hút đầu tư, phát triển liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân cần hướng tới quan hệ sản xuất hợp lý hóa, tạo động lực mạnh mẽ hơn, có năng suất lao động và sức cạnh tranh cao hơn, đem lại thu nhập cao và bền vững. Quy hoạch và xây dụng chính sách ưu tiên thúc đẩy phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, các ngành nghề, công nghiệp, dịch vụ. Đặc biệt là các ngành sử dụng nhiều lao động gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.
3. Đa dạng nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để xây dựng, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là các công trình giao thông, thuỷ lợi, điện, nước, viễn thông, công trình phục vụ phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, hệ thống hạ tầng thương mại ở nông thôn. Rà soát lại tổ chức thú y từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm các điều kiện về cán bộ và phương tiện, kịp thời phòng, khống chế và dập tắt các dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, thuỷ sản và cây trồng; tăng cường kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.
4. Thường xuyên cập nhật, đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới, kịp thời nhân rộng các cách làm hay, hiệu quả và chấn chỉnh, rút kinh nghiệm những biểu hiện lệch lạc. Thực hiện xây dựng nông thôn mới toàn diện, đi vào chiều sâu, cải thiện trực tiếp điều kiện sống, thay đổi tư duy, nếp sống của người dân nông thôn; hoàn thành và nâng cao chất lượng các mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã đề ra tới năm 2020. Nghiên cứu, xây dựng chương trình nông thôn mới gắn với đô thị hoá nông thôn, phù hợp với yêu cầu và điều kiện của giai đoạn mới.
5. Đánh giá hiệu quả các chương trình hỗ trợ người dân nông thôn, người nghèo, các đối tượng chính sách, đặc biệt là ở các vùng khó khăn để có các giải pháp phù hợp theo hướng tập trung, tránh dàn trải, giảm đầu mối, đủ nguồn lực, hiệu quả, bền vững, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại.
6. Cụ thể hóa kịch bản tác động của biến đổi khí hậu tới các vùng, địa phương, lựa chọn giải pháp ưu tiên để tập trung triển khai thực hiện, lồng ghép với các kể hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường, sinh thái nông thôn.
TẤN PHƯỚC – HND TỈNH