Từ tháng 7/2019, có nhiều chính sách, quy định mới về kinh tế – xã hội sẽ có hiệu lực. Điển hình như:
- Tăng lương cơ sở thêm 100.000 đồng/tháng
Nghị định 38 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/7 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, mức lương sẽ tăng lên 1,49 triệu đồng mỗi tháng (tăng thêm 100.000 đồng, tương đương gần 7,2%).
Ngoài ra, Nghị định 44 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng chính thức quy định tăng thêm 7,19% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2019 đối với các đối tượng như cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng…
- Có 3 trường hợp đặc cách tuyển dụng công chức
Thông tư 03 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung quy định tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức có hiệu lực từ 1/7. Thông tư quy định 3 trường hợp công chức được tuyển dụng không qua thi tuyển.
Các trường hợp này gồm người có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học; là cán bộ, công chức cấp huyện trở lên được điều động, luân chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập; lực lượng vũ trang, cơ yếu; tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp… Hoặc là công chức cấp phòng trở lên, được tiếp nhận để bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý. Ngoài ra, Thông tư này cũng quy định viên chức chỉ cần đạt từ 50 điểm trở lên với mỗi bài thi trong kỳ thi nâng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì được coi là trúng tuyển (trước đây là 55 điểm).
- Dưới 15 tuổi được gửi tiết kiệm ngân hàng
Từ 5/7, Thông tư 48/NHNN của Ngân hàng Nhà nước cho phép công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, công dân từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không mất năng lực hành vi dân sự được gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng.
Trường hợp công dân Việt Nam bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc chưa đủ 15 tuổi, việc thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm phải thông qua người đại diện theo pháp luật.
Cũng theo thông tư này, tổ chức tín dụng phải cung cấp một biện pháp để người gửi tiền tra cứu khoản tiền gửi tiết kiệm; việc rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và người gửi tiền khi gửi tiền nhưng lãi suất rút trước hạn phải phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
- Giá vé máy bay hạng phổ thông tối đa 3,75 triệu đồng
Có hiệu lực từ 1/7, Thông tư 17/2019 của Bộ Giao thông Vận tải quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Cụ thể, giá vé hạng phổ thông cơ bản cho một chiều đi như sau: Đường bay có khoảng cách dưới 500 km thuộc nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội là 1,6 triệu đồng, nhóm đường bay khác là 1,7 triệu đồng. Đường bay 500-850 km giá tối đa 2,2 triệu đồng; 850-1.000 km giá tối đa 2,790 triệu đồng; 1.000- 1.280 km giá tối đa 3,2 triệu đồng; từ 1.280 km trở lên giá tối đa 3,75 triệu đồng.
Mức vé tối đa quy định trên đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ các khoản thu sau: Thuế giá trị gia tăng; các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh; khoản giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm…
- Vợ sinh con, chồng được nghỉ thai sản
Nghị định 38 của Chính phủ, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, chế độ thai sản đối với lao động nam sẽ có nhiều thay đổi từ ngày 1/7. Theo đó, khi vợ sinh con, chồng sẽ được hưởng các chế độ thai sản tương đương như hưởng trợ cấp một lần khi sinh con với mức trợ cấp 2.980.000 đồng (2 lần mức lương cơ sở)/con. Ngoài ra, khi vợ sinh con, chồng cũng được nghỉ làm trong các trường hợp cụ thể.
Đối với lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con thì trong vòng 30 ngày đầu kể từ ngày sinh được nghỉ 5 ngày làm việc nếu vợ sinh thường; 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh đôi, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; 14 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.
Đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền thì cha sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
Đối với trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Đối với trường hợp mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
- Dùng điện lưới đánh bắt cá bị phạt đến 50 triệu đồng
Nghị định 42/2019 của Chính phủ có hiệu lực từ 5/7 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản nêu rõ các mức phạt đối với hành vi sử dụng điện để khai thác thủy sản trái phép. Cụ thể, dùng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng.
Dùng kích điện hoặc dùng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản: Phạt 15-20 triệu đồng nếu tàu cá dưới 12 m; phạt 20-30 triệu đồng nếu tàu cá 12-15 m và 30-40 triệu đồng nếu tàu cá từ 15 m trở lên. Dùng điện lưới để khai thác thủy sản mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt 40-50 triệu đồng. Trường hợp ngư dân dùng chất cấm, hóa chất cấm, chất độc, hóa chất khác để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự cũng sẽ bị phạt tiền 50-70 triệu đồng…
TẤN PHƯỚC – HND tỉnh (theo VnEconomy)