Từ xa xưa con người đã biết sử dụng tỏi để làm gia vị, thực phẩm hỗ trợ sức khỏe cũng như phòng trị bệnh.
Công dụng của tỏi với sức khỏe được các nhà dinh dưỡng học cũng như y học rất quan tâm. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về những tác dụng của tỏi trong phòng và trị bệnh. Vậy trong tỏi có gì và tại sao lại có tác dụng phòng trị bệnh?
Tỏi có chứa nhiều iod và tinh dầu (giàu glucogen và chất kháng sinh aliin, fitonxit có công dụng diệt khuẩn, sát trùng, chống viêm nhiễm). Ngoài ra, tỏi còn chứa hàm lượng lớn vitamin A, B, C, D, PP, hydrat cacbon, polisaccarit, inulin, fitoxterin và các khoáng chất khác cần thiết cho cơ thể như iốt, canxi, phốt pho, magiê, các nguyên tố vi lượng. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho biết tỏi đã làm chín không có mùi không còn tác dụng dược lý như tỏi tươi.
Tác dụng phòng chữa bệnh của tỏi
Phòng chống mỡ máu và bệnh tim mạch: Tỏi có tác dụng làm giảm triglycerid và cholesterol trong máu tương tự như uống clo fibrat hạ mỡ máu. Đồng thời tỏi làm tăng cholesterrol có lợi (HDL) và làm giảm hàm lượng cholesterrol xấu (LDL), do vậy làm giảm chuyển hóa mỡ trong máu, chống xơ cứng động mạch vành, động mạch não, động mạch ngoại vi. Các chuyên viên của Đại học Westem On talio, Canada nghiên cứu và kết luận, ăn càng nhiều tỏi thì bệnh tim mạch càng giảm, bởi tỏi làm chậm sự biến hóa của chất béo trong gan, khiến gan tiết ra nhiều mật, đồng thời cũng lấy bớt mỡ từ thành động mạch. Người có cholesterol tăng sau thời gian ăn tỏi thấy cholesterol giảm rõ.
Phòng trị tăng huyết áp: Tỏi điều trị tăng huyết áp cả tâm thu và tâm trương vì ngoài tác dụng làm giảm cholesterol và triglyceride, tỏi còn làm giãn nở các mạch máu bị nghẽn hay bị co hẹp làm cho máu lưu thông tốt và giảm áp lực động mạch.
Tỏi có tác dụng chống đông máu: Các nghiên cứu của y học hiện đại đã cho thấy trong tỏi có chất ajoene, giống như aspirin có tác dụng làm giảm cục máu đông, lại rẻ tiền mà ít tác dụng phụ ngoài mong muốn. Ông tổ của y học Ấn Độ Charaka cũng đã khẳng định “Tỏi giúp máu lưu thông dễ dàng, làm tim khỏe và làm người sống lâu”.
Tác dụng diệt khuẩn, phòng cảm cúm và miễn dịch: Chất kháng sinh allicin trong tỏi mạnh bằng 1/5 thuốc penicilin và 1/10 tetracilin. Tinh dầu từ tỏi giàu glucogen và aliin, fitonxit có công dụng diệt khuẩn, sát trùng, chống viêm nhiễm. Tỏi chứa chất chống ôxy hóa làm tăng khả năng phòng vệ miễn dịch, giảm quá trình lão hóa và khi kết hợp với các vitamin B6 giúp cơ thể tái tạo các tế bào da. Ngoài ra, tỏi có tác dụng chống nhiễm độc chất phóng xạ, giải độc nicotin ở người nghiện thuốc lá và tác dụng đáng kể lên hệ miễn dịch, tăng hoạt tính các thực bào lympho cyte.
Tỏi có nhiều công dụng trong phòng và trị bệnh.
Các bài thuốc từ tỏi trị tăng huyết áp, mỡ máu
Bài 1: Tỏi 500g, đường đỏ 200g, giấm 500g. Tỏi rửa sạch tách nhánh, bỏ vào trong bình, cho giấm, đường đỏ vào, nút kín ngâm trong 30 ngày trở lên. Hằng ngày ăn 4-5 tép con tỏi và uống ít giấm ngâm tỏi đó. Dùng trong 15 ngày liền, nghỉ 3 ngày lại dùng tiếp, huyết áp có thể giảm một thời gian dài.
Bài 2: Đậu xanh 100g, tỏi 50 tép (người dưới 50 tuổi tính theo mỗi tuổi dùng 1 tép tỏi), đường phèn vừa đủ. Đậu xanh rửa sạch, tỏi bóc vỏ rửa sạch. Hai thứ cùng cho vào bát to, thêm 500ml nước, đậy nắp cho vào nồi đun cách thủy. Uống nước canh, ăn đậu. Uống vài lần trong ngày. Phòng tăng huyết áp.
Bài 3: Tỏi 500g bóc vỏ rửa sạch, muối 50g cho vào muối dưa, sau 3 ngày mang tỏi hong khô, cho vào lọ thủy tinh ngâm với giấm ăn, thêm chút đường. Ngâm 2 – 3 ngày là được. Sáng sớm và tối trước khi đi ngủ ăn 1 – 2 tép tỏi và uống ít nước giấm ngâm tỏi đó. Ăn trong 15 ngày, nghỉ 3 ngày lại ăn tiếp. Huyết áp sẽ hạ xuống ổn định. Bài này còn chữa viêm khí quản mạn và ho lâu ngày.
Bài 4: Rượu 35 – 45 độ, tỏi giã nhỏ ngâm với tỷ lệ 1/5. Mỗi ngày uống 20 – 40 giọt chia 2 – 3 lần. Không dùng quá (có khi huyết áp lại tăng). Tác dụng ổn định huyết áp, giảm cholesterol, đề phòng vữa xơ động mạch. Rượu tỏi còn hỗ trợ phòng chống ung thư, người đang điều trị hoặc sau điều trị ung thư dùng rượu tỏi sẽ rất tốt.
Bài 5: Tỏi 3 củ tách nhánh bỏ vỏ làm sạch thái lát; chanh 4 quả để cả vỏ rửa sạch bằng nước muối nhạt, gừng 2 củ nhỏ cạo vỏ rửa sạch thái lát. Cho tất cả các vị vào cối xay nát, cho ra nồi và đổ vào 2 lít nước, đặt lên bếp đun sôi, sau nhỏ lửa một lúc là được. Cho nước đó vào bình dùng dần, ngày uống 1 cốc vào buổi sáng khi bụng đói. Mỗi liệu trình 6 ngày, nghỉ vài ngày lại liệu trình khác. Trị mỡ máu cao.
Bài 6: Tỏi 100g bóc vỏ tách nhánh rửa sạch thái lát, đậu trắng 100g vo sạch. Hai vị cho vào nồi, đổ 2 lít nước sắc cạn còn 1/8 lượng nước ban đầu thì chắt ra, uống trong ngày. Mỗi tháng một liệu trình. Trị mỡ máu.
Bài 7: Tỏi 4 tép, gừng 1 củ (đường kính 3cm), nước cốt chanh 125ml (4 quả), nước sôi để nguội 2 lít, mật ong 336g. Tỏi bóc vỏ xay cùng với gừng, đổ nước cốt chanh và nước vào hỗn hợp trên, cho mật ong, khuấy đều hỗn hợp, cho vào bình thủy tinh, để ít nhất 5 ngày ở nơi tối, mát mẻ. Cũng có thể để trong tủ lạnh. Uống 2 thìa/lần hoặc pha loãng 2 thìa với 1 cốc nước rồi uống vào lúc đói hoặc trước mỗi bữa ăn. Tác dụng trị mỡ máu cao. Không uống liên tục quá 2 tuần.
Bài 8: Ăn tỏi tươi sau khi bóc sạch vỏ lụa vào sau các bữa ăn, mỗi bữa khoảng 2 – 3 tép. Trị mỡ máu cao. Lưu ý hằng ngày chỉ nên ăn dưới 5g tỏi, không nên ăn quá nhiều vì tỏi có vị cay nóng.
Quang Hải (Theo sách “Thức ăn vị thuốc”)