Ấu ta còn có tên hạt dẻ nước, trồng nhiều trong hồ, ao, đầm… Quả có vào tháng 7-9, thu hái đúng lúc quả chưa quá già, chưa bị rụng xuống bùn.
Quả ấu luộc hay rang ăn hạt, chế thành bột làm bánh hoặc làm thuốc giải nhiệt, giã độc trừ rôm sẩy, thuốc cường tráng. Vỏ quả ấu chữa loét dạ dày, loét cổ tử cung. Toàn cây chữa trẻ em sài đầu, giải độc rượu và làm sáng mắt.
Ấu nước (Trapa natans L. var puminla Nakanô) thuỷ sinh, khá to, có ở từ Hà Nội đến Quảng Nam. Quả nhiều bột làm thức ăn, lương thực và làm thuốc. Củ ấu chín chứa anbumin, chất béo, chất đường; vitamin B1, B2, PP, C; Ca, Mn, P. Chất AH13 chiết được dùng hỗ trợ điều trị ung thư.
Theo Đông y, củ ấu tươi vị ngọt mát, tính bình. Có công dụng thanh nhiệt làm tiết nước bọt, chống khát, giải độc rượu, giải thử. Bột ấu già bổ tỳ vị, mạnh đầu gối, chắc cơ lưng, kiện lực ích khí. Vỏ ấu chữa u, cục ngoài da, kháng ung thư.
Ấu ta ngon bổ, dùng làm thực phẩm và làm thuốc, thu hái đúng lúc quả chưa quá già, chưa bị rụng xuống bùn.
Một số cách dùng củ ấu chữa bệnh
Phòng chống bệnh mùa hè do thử nhiệt, tổn thương tân dịch, sốt đổ mồ hôi, háo khát, người mỏi mệt không muốn ăn: thịt củ ấu non 30g, gạo tẻ 50g (xay nhuyễn). Nấu cháo ăn hàng ngày.
Miệng khô háo khát: ấu non tươi 10-15, củ bỏ vỏ ăn sống cho đến khi hết khô khát.
Chữa miệng khô khát, mệt mỏi sau khi uống rượu: ấu non tươi 100-150g bỏ vỏ lấy thịt, giã nát, thêm nước đun sôi để nguội uống. Hoặc nhai sống thịt củ ấu. Người hay uống rượu nên thường xuyên ăn uống các món làm từ củ ấu để giảm bớt độc hại của rượu.
Chữa tỳ hư, tiêu chảy: ấu già cả vỏ 150g rửa kỹ nấu chín, bóc vỏ ăn thịt, uống nước.
Chữa trĩ chảy máu, kinh nguyệt ra nhiều: ấu tươi non 250g bỏ vỏ giã nát, vắt lấy nước, hoà thêm nước đun sôi để nguội uống 2 lần trong ngày.
Tỳ vị hư nhược: thịt củ ấu 50g, bạch truật 15g, hồng táo 15g, sơn tra 10g, sơn dược 10g, màng mề gà 6g, cam thảo chế 4g. Sắc uống.
Chữa viêm loét dạ dày: thịt củ ấu 30g, củ mài 15g, hồng táo 15g, bạch cập 10g, gạo nếp 100g. Tất cả nấu cháo, thêm ít mật ong để ăn.
Chữa nhiệt phiền khát: thịt củ ấu tươi 50g, địa cốt bì 15g, câu kỷ tử 6g, hoàng cầm 6g, cam thảo chế 6g. Sắc uống.
Bồi dưỡng sức khoẻ, tăng sức đề kháng, dễ tiêu hoá: nấu cháo, chè củ ấu, củ ấu xào thịt gà, lòng, nấm hương, mộc nhĩ…
U, cục ngoài da: cuống củ ấu tươi xát nhẹ lên chỗ u cục mỗi lần vài phút. Ngày 5-6 lần. Mỗi đợt 10-15 ngày.
Hỗ trợ điều trị ung thư:
Ung thư (K) thực quản, K cổ tử cung, K tuyến vú: củ ấu 30-60g, ý dĩ 30g nấu canh ăn. Ăn liền trong vài tháng.
Hoặc dùng hoa quả, cuống hoặc lá ấu 60g, ý dĩ 30g. Sắc uống thay trà.
K tử cung, dạ dày: ấu sống 30g, sắc uống hàng ngày.
K dạ dày: vỏ ấu già 100g, tán bột thêm mật ong ngày uống 3 lần, mỗi lần 6-12g.
K dạ dày, trực tràng, thực quản, bàng quang: bột ấu 30g, gạo 100g, mật ong. Nấu cháo ăn hàng ngày.
Các loại K: ấu 20g, ý dĩ 20g, kha tử 20g. Sắc uống hằng ngày.
Chú ý: Ấu tươi sống tính mát nhưng khó tiêu. Người tỳ vị hư nhược không lạm dụng, nên nấu chín nhưng cũng không nên ăn nhiều một lúc hoặc kéo dài để tránh trướng bụng. Người yếu bụng có thể chưng cách thuỷ hoặc thêm ít gừng hoặc nước gừng.
Thu hái củ ấu trước khi rơi xuống bùn, rửa kỹ, dùng càng sớm càng tốt tránh bị biến chất.
Tuyệt đối không nhầm lẫn giữa ấu ta với ấu tầu. Ấu tầu là ô đầu phụ tử là những vị thuốc rất độc! Ấu ta thì mát, ấu tầu thì nóng. Trong tài liệu đông dược có nói dùng phụ tử hầm thịt chó, thịt dê để bổ thận tráng dương. Nhưng không có kinh nghiệm, không hiểu biết thì không dùng vì có thể gây hậu hoạ khôn lường.
Ngọc Anh(nguồn suckhoedoisong.vn)