Xuất khẩu thủy sản có nhiều cơ hội tại thị trường EU. ảnh tư liệu |
Diễn biến trái chiều giữa tôm và cá tra
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 4.2019 ước đạt 694 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2019, chiếm 53,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Tuy vậy, trong nội ngành thủy sản, tốc độ tăng trưởng của từng mặt hàng có những diễn biến trái chiều. Cụ thể, xuất khẩu cá tra trong tháng 4.2019 ước đạt 161 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm lên 635 triệu USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, mặt hàng tôm lại có xu hướng giảm về kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, giá trị xuất khẩu tôm trong tháng 4.2019 ước đạt 295 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm 2019 đạt 913 triệu USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân của sự sụt giảm về giá trị xuất khẩu là do giá mặt hàng này trên thị trường thế giới vẫn đang thấp do nguồn cung dồi dào trên toàn cầu.
Đó là chưa kể, trong 2 tháng đầu năm 2019, Mỹ – một thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam giảm nhập khẩu tôm, cá ngừ, cá rô phi, cá tuyết, mực… so với cùng kỳ năm 2018; trong khi lại tăng nhập khẩu cá da trơn, cua. Đây chính là lý do đưa Việt Nam trở thành thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 2 cho Mỹ trong 2 tháng đầu năm 2019.
Theo thống kê của Cục Nghề cá biển Mỹ (NMFS), 2 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu thủy sản các loại của Mỹ từ Việt Nam đạt 41.400 tấn, trị giá 263,27 triệu USD, tăng 32,9% về lượng và tăng 29,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ tăng từ mức 6,43% trong 2 tháng đầu năm 2018 lên 9,28% trong 2 tháng đầu năm 2019.
Tăng khả năng truy xuất nguồn gốc
Có thể thấy, dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng xuất khẩu thủy sản vẫn đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh khá lớn từ các đối thủ. Thực tế, Ecuador đã xuất khẩu khoảng 53.405 tấn tôm đông lạnh trong tháng 3.2019, cao hơn 4.602 tấn so với tháng kỷ lục trước đó và tăng 40% so với khối lượng xuất khẩu trong tháng 3.2018. Về mặt giá trị, xuất khẩu tôm của Ecuador đã tăng 23% so với tháng 3 năm ngoái, lên tới 309 triệu USD.
Nhưng dù vậy, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy những cơ hội thực sự “sáng” cho ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản. Việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có thể được phê chuẩn vào tháng 6 hoặc tháng 7.2019 có thể coi là tin vui với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nói chung, ngành cá tra nói riêng bởi ngay khi EVFTA có hiệu lực, 90% dòng thuế đánh vào các mặt hàng thủy sản xuất khẩu qua EU sẽ giảm về 0% trong 3-4 năm (mức thuế nhập khẩu vào EU hiện tại khoảng 14%).
Chia sẻ tại “Diễn đàn thủy sản Việt Nam – Triển vọng hợp tác” do Bộ NNPTNT phối hợp Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Bỉ cùng Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm thủy sản toàn cầu thường niên Brussels lần thứ 27 tại Vương quốc Bỉ, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, các sản phẩm thủy sản mũi nhọn của Việt Nam như cá tra, tôm… sẽ được phát triển theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại, tập trung phát triển về chiều sâu, nâng cao chất lượng và giá trị, đa dạng hóa sản phẩm theo từng phân khúc thị trường, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Theo thống kê của Cục Nghề cá biển Mỹ (NMFS), 2 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu thủy sản các loại của Mỹ từ Việt Nam đạt 41.400 tấn, trị giá 263,27 triệu USD, tăng 32,9% về lượng và tăng 29,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. |
Theo đại diện VASEP, mấy năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã tuân thủ các tiêu chuẩn nuôi bền vững của thế giới trong việc kiểm soát từ con giống, dây chuyền sản xuất đến thành phẩm cuối cùng. Đối với sản phẩm đánh bắt, Việt Nam đã tuân thủ quy định về đánh bắt hợp pháp của châu Âu.
VASEP đang nghiên cứu thành lập một quỹ phát triển thị trường, tạo điều kiện cho việc xây dựng thương hiệu và mạng lưới bán hàng ở nước ngoài, giống như Na Uy đã từng làm đối với cá hồi. Song song đó, cá tra đã được xác định là sản phẩm quốc gia và có chính sách đặc thù riêng. Bộ NNPTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra trên thị trường thế giới.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Mitsui&Co châu Âu – ông Javier Cordova cho biết, người tiêu dùng châu Âu rất quan tâm đến sức khỏe, nên để tăng lượng bán vào thị trường này, Việt Nam cần tăng khả năng truy xuất nguồn gốc, người mua cần biết rõ sản phẩm đến từ đâu, các loại thức ăn chăn nuôi đã được sử dụng không được chứa dư lượng kháng sinh, và tốt nhất là sử dụng thức ăn hữu cơ trong nuôi trồng để phát triển bền vững lâu dài.