Giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam giảm đáng kể. Ảnh: T.L |
Giá xuất khẩu thấp hơn Ấn Độ
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu (XK) hạt tiêu trong nửa đầu tháng 3.2019 đạt 17.700 tấn, trị giá 44,6 triệu USD, tăng 50,2% về lượng và tăng 2,4% về trị giá so với nửa đầu tháng 3.2018. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15.3.2019, XK hạt tiêu đạt 53.400 tấn, trị giá 144,72 triệu USD, tăng 27,9% về lượng, nhưng giảm 8,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Điều đáng chú ý là, giá tiêu của Việt Nam đang thấp hơn sản phẩm cùng loại đến từ Ấn Độ. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) cho thấy: Nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc năm 2018 đạt 87.684 tấn, trị giá 137,87 triệu USD, tăng trưởng tới 659% về lượng và 271,4% về trị giá so với năm 2017.
Giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Trung Quốc đạt mức 1.572 USD/tấn, giảm tới 51,1% so với năm 2017. Trong đó, giá nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ nhiều nguồn cung giảm. Cụ thể, giá nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ Việt Nam giảm mạnh 69,7%, xuống còn 1.242 USD/tấn; từ Malaysia giảm 26%, xuống mức 4.593 USD/tấn; từ Indonesia giảm 40,8%, xuống còn 4.014 USD/tấn. Nhưng ở chiều ngược lại, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Trung Quốc từ Ấn Độ năm 2018 lại tăng 14,8%, lên mức 1.709 USD/tấn.
Hẳn nhiều ý kiến cho rằng, giá thấp là một lợi thế cạnh tranh của tiêu Việt Nam, nhưng ở một góc nhìn khác, nó phản ánh rõ một thực tế, chất lượng tiêu Việt Nam chưa được như kỳ vọng, dù hiện nay, Việt Nam đang chiếm 60% lượng tiêu XK toàn cầu. Nếu như năm 2018, cả thế giới XK 388.000 tấn hồ tiêu thì Việt Nam chiếm đến 245.000 tấn. Chúng ta “bá chủ” về diện tích, sản lượng nhưng rất tiếc giá cả thì không.
Năm 2018, Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho Trung Quốc với tốc độ nhập khẩu ghi nhận mức cao kỷ lục từ trước đến nay, tăng tới 10.696,9% về lượng và tăng 3.176,2% về trị giá so với năm 2017. Nhờ vậy, thị phần hạt tiêu Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu Trung Quốc tăng từ 4,8% năm 2017 lên 68,1% năm 2018.
Theo dõi số liệu nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc có thể thấy, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng hạt tiêu của Trung Quốc ngày càng tăng. So với các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Brazil, mặt hàng hạt tiêu của Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh khá lớn bởi giá thành sản phẩm thấp hơn và lợi thế về vị trí địa lý. Tuy nhiên, giá trị XK ở mức thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh, ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngành.
Bán cái mình có, chưa bán cái thị trường cần
Đó là thực tế đang diễn ra với ngành hồ tiêu hiện nay. Theo đó, thị trường thế giới đang ưa chuộng chủng loại hạt tiêu trắng, nhưng tỷ trọng hạt tiêu trắng của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng xuất khẩu, trong khi hạt tiêu đen chiếm tới 90% tỷ trọng.
Nếu so sánh với Indonesia, tỷ trọng hạt tiêu trắng chiếm tới 80% lượng xuất khẩu. Ngành công nghiệp chế biến tiêu của Indonesia hiện nay rất phát triển với các sản phẩm hạt tiêu cao cấp đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cục Xuất nhập khẩu cũng đưa ra khuyến cáo: Ngành hạt tiêu Việt Nam cần chú trọng hơn nữa đến khâu chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao giá trị XK, đồng thời cần có sự chuyển dịch về cơ cấu chủng loại XK. |
Bên cạnh đó, tình trạng cung vượt cầu cũng đang khiến người trồng tiêu gặp khó khăn do giá xuống thấp. Hiện, giá hạt tiêu toàn cầu có dấu hiệu phục hồi trở lại do điều kiện khí hậu bất lợi và lũ lụt ở bang Kerala và Karnataka của Ấn Độ, tuy nhiên, do nguồn cung hạt tiêu từ Việt Nam đang khá dồi dào sẽ hạn chế đà tăng giá của mặt hàng này.
Theo Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam (VPA), tình trạng cung vượt cầu đối với mặt hàng hạt tiêu trên thế giới vẫn chưa chấm dứt. Trong khi đó, 95% hạt tiêu của Việt Nam dùng để XK nên yếu tố thị trường thế giới ảnh hưởng rất lớn đến giá hạt tiêu trong nước.
Trong một diễn đàn bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản được tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch VPA cũng thừa nhận đây là giai đoạn khó khăn của ngành hồ tiêu khi năm 2017 còn lọt danh sách các nông sản có kim ngạch XK trên 1 tỷ USD thì năm 2018 đã không còn danh hiệu này, thậm chí giá tiêu còn thấp hơn cả giá thành sản xuất, đẩy nông dân nhiều vùng trồng tiêu vào cảnh khó khăn.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, câu chuyện của ngành hồ tiêu là minh chứng điển hình cho việc sản xuất không “ăn nhập” với tiêu thụ. Chiếm tới 60% sản lượng XK cả thế giới, trong 5 năm sản lượng sản xuất tăng gấp đôi đối với một loại gia vị, mà xét về bản chất, không phải loại phù hợp để tiêu thụ nhiều. Sự phát triển quá nóng và ồ ạt đã để lại những hệ lụy khó có thể khắc phục.
Vì vậy, con đường của hồ tiêu và nhiều loại nông sản trong thời gian tới là liên kết theo chuỗi để nâng cao chất lượng.