Toàn tỉnh có 54 Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và tổng hợp |
Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân về phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh tập trung quy mô lớn, gắn với hình thành và phát triển các mô hình kinh tế hợp tác thông qua sinh hoạt chi, tổ Hội, câu lạc bộ nông dân; hội thảo, tọa đàm; hội nghị chuyên đề, phổ biến, nhân rộng các mô hình mới, từng bước hoàn thành các chuỗi liên kết, tạo điều kiện tiêu thụ tốt nhất các sản phẩm nông sản của địa phương. Trong đó, ưu tiên các sản phẩm chủ lực của địa phương như: Bưởi, dừa, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, lợn, bò và tôm biển.
Hội ND tỉnh chỉ đạo các huyện lựa chọn và xây dựng điểm một số mô hình Hợp tác xã kiểu mới trên các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ cung ứng giống, vật tư, tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở đó, tiến hành tổng kết, tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng nhiều loại hình Hợp tác xã kiểu mới, đồng thời củng cố lại hoạt động của các Hợp tác xã theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012; vận động Hợp tác xã thu hút thêm thành viên; hợp nhất, sáp nhập Hợp tác xã cùng ngành, nghề và địa bàn để tăng tiềm lực tài chính và quy mô của Hợp tác xã.
Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật cho cán bộ Hợp tác xã, thành viên Hợp tác xã, đáp ứng yêu cầu quản lý phù hợp điều kiện thực tế; giới thiệu và tìm nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác để hỗ trợ cho các Tổ hợp tác nhằm tăng cường hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động các Hợp tác xã sau chuyển đổi.
Đến nay toàn tỉnh có 67 Hợp tác xã với 22.063 thành viên đang hoạt động trên các lĩnh vực, trong đó có 54 Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và tổng hợp; 13 Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thủy sản và 904 Tổ hợp tác với 22.565 thành viên hoạt động theo Nghị định 151/TTg. Các Hợp tác xã, Tổ hợp tác đã từng bước hoạt động có hiệu quả, chú trọng thực hiện việc ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Điển hình như: Hợp tác xã dừa Phú Nông, xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú thu mua tập trung dừa nguyên liệu và thực hiện các khâu sơ chế trước khi cung cấp cho doanh nghiệp chế biến dừa trong tỉnh; Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh; Hợp tác xã Tép rang dừa Mỹ Hưng…
Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua kinh tế hợp tác ở Bến Tre vẫn còn những “điểm nghẽn” chưa được khắc phục hiệu quả như: hoạt động của một số Tổ hợp tác, Hợp tác xã hiệu quả còn thấp, chưa tuân thủ nguyên tắc theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012; còn hạn chế và yếu trên nhiều phương diện như vốn đầu tư, ứng dụng công nghệ, trình độ, kỹ năng quản lý, khả năng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, nhận thức của một bộ phận cán bộ, hội viên và người dân về vai trò và tầm quan trọng của kinh tế hợp tác trong nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá chưa cao.