Huyện Tân Thành có gần 500ha đất trồng rau, tập trungở các xã Sông Xoài, Châu Pha, Phước Hòa, Tân Hải. Cây rau đã trở thành nguồn thu nhập chính của bà con nông dân trong huyện. Để tăng sản lượng và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, huyện Tân Thành đang nhân rộng các mô hình trồng rau sạch, rau đạt chuẩn VietGAP.
NHIỀU MÔ HÌNH ĐẠT HIỆU QUẢ CAO
Đến thăm mô hình trồng rau hữu cơ sinh học của gia đình anh Đoàn Văn Vĩnh, thôn Láng Cát, xã Tân Hải, chúng tôi nhận thấy quy trình trồng rau hoàn toàn khác biệt so với trồng rau truyền thống. Cả vườn rau hơn 2.000m2được anh Vĩnh vây lưới bao quanh, trong đó có hơn 500m2 nhà lưới kiên cố với chiều cao hơn 2m. Anh Vĩnh cho biết, khi mới làm nghề trồng rau, gia đình anh thường xuyên sử dụng phân bón vô cơ. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng, anh nhận thấy sâu trên rau kháng thuốc, không thể diệt hoàn toàn. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón vô cơ có thể làm tổn hại lâu dài độ phì nhiêu của đất và ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Năm 2015, sau khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn, gia đình anh quyết định chuyển sang trồng rau theo hướng hữu cơ sinh học. Anh Vĩnh đầu tư gần 200 triệu đồng làm lưới bao quanh vườn và làm 500m2 nhà lưới kiên cố, xây hồ chứa nước để tưới cho rau. Theo anh Vĩnh, sử dụng nhà lưới che, rau sẽ không bị côn trùng xâm nhập, giúp giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Để cung cấp nước tưới cho rau, anh lắp đặt 2 máy khoan. Sau khi bơm nước lên bể chứa, anh Vĩnh bổ sung một lượng vôi nhất định để cân bằng độ PH trước khi tưới cho rau. Ngoài ra, để cải tạo đất, gia đình anh Vĩnh dùng phân bò, phân gà ủ mục; đồng thời luân canh các loại cây trồng. “Thuốc” diệt trừ sâu đều được làm từ thực vật. Đơn cử như thuốc phòng trừ các loại sâu đo, bọ rầy, xoắn lá… được làm từ củ tỏi, ớt trái; còn phân để cải tạo đất, bón gốc, bón lá được anh sử dụng cá tạp vỏ đậu phộng ủ với các chế phẩm sinh học. “Cá tạp và vỏ đậu phộng sau khi ủ khoảng 45 ngày, sẽ tưới lên đất trước khi cấy cây giống hoặc gieo hạt giống giúp tạo độ phì nhiêu cho đất, hạn chế cỏ dại và diệt trừ các mầm cỏ”, anh Vĩnh cho biết.
Ngoài việc đầu tư nhà lưới và hệ thống tưới nước hiện đại để đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng cho cây và cải tạo đất kỹ lưỡng, gia đình anh Vĩnh còn lựa chọn các loại cây trồng đặc thù. Hiện nay, trong vườn của gia đình anh trồng chủ yếu là cải bó xôi, cải rổ, xà lách gai và các loại rau gia vị. Đây là các loại rau người dân địa phương ít trồng do đòi hỏi kỹ thuật cao. Vì vậy, đầu ra rất thuận lợi và bán được giá cao. Do quy trình trồng, chăm sóc khắt khe nên cây rau có chất lượng dinh dưỡng cao. Đến nay, gia đình anh Vĩnh đã sản xuất được 4 vụ rau theo phương pháp hữu cơ sinh học. Toàn bộ rau đến kỳ thu hoạch được Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp dầu khí Vũng Tàu thu mua. Trừ chi phí, mỗi vụ rau gia đình anh Vĩnh thu lãi gần 40 triệu đồng/2.000m2(cao hơn trồng rau theo phương pháp truyền thống 30-35%). Hiện gia đình anh Vĩnh tiếp tục mở rộng diện tích lên 3.600m2 để đáp ứng nhu cầu rau sạch của người tiêu dùng.
Nhiều hộ trồng rau khác trên địa bàn huyện Tân Thành cũng đang từng bước chuyển sang mô hình trồng rau an toàn, bước đầu cho thấy hiệu quả cao hơn so với cách làm truyền thống. Anh Nguyễn Văn Toản (thôn Láng Cát, xã Tân Hải) cho biết: “Trước đây, hơn 3 sào rau của gia đình tôi được trồng chủ yếu theo phương pháp thủ công. Thị trường cần nhiều thì trồng nhiều, nông sản rớt giá thì trồng ít lại. Từ khi được Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tân Thành hướng dẫn quy trình sản xuất, sơ chế rau theo tiêu chuẩn VietGAP, cách sử dụng các loại phân bón, biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp và phòng trừ sâu bệnh trên cây rau, tôi đã xoay vòng đất, chú trọng chăm sóc rau đúng theo quy trình, nhằm bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Hiện gia đình tôi mở rộng diện tích trồng rau an toàn lên 6 sào. Mỗi năm trồng 8 vụ, lợi nhuận thu được khoảng 20 triệu đồng/1 vụ.”
HÌNH THÀNH CÁC TỔ HỢP TÁC
Năm 2009, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn Láng Cát (xã Tân Hải, huyện Tân Thành) được thành lập, chuyên trồng rau mồng tơi, dền, cải… Ông Nguyễn Văn Hưng, Tổ trưởng Tổ hợp tác rau an toàn Láng Cát cho biết, từ khi thành lập đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thường xuyên lấy mẫu rau kiểm tra. Kết quả, 100% sản phẩm rau của Tổ hợp tác đều đạt chuẩn an toàn. Năm 2014, Tổ hợp tác đăng ký tham gia chuỗi thực phẩm an toàn của tỉnh. Để có rau sạch, mỗi thành viên đều xây dựng nhà chứa dụng cụ, nhà chứa thuốc bảo vệ thực vật và nhà chứa phân bón riêng biệt. Tổ hợp tác cũng thay thế phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật bằng phân bón vi sinh, thuốc sinh học và bảo đảm thời gian cách ly trên 24 giờ mới đưa rau ra thị trường. Theo tính toán của các thành viên Tổ hợp tác, bình quân 1 lứa rau cho thu nhập từ 80-90 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí sản xuất, người dân thu lãi từ 60-70 triệu đồng. Thời gian từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch mỗi lứa rau khoảng 30-45 ngày, mỗi năm người trồng rau có thể gieo trồng từ 9-10 lứa rau, lợi nhuận lên tới hàng trăm triệu đồng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Thành có 73ha rau ăn củ, và rau ăn lá được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung ở các xã Châu Pha, Tân Hải và Sông Xoài. Trung bình mỗi năm, bà con nông dân cung ứng ra thị trường gần 3.000 tấn rau, quả an toàn. Hiện huyện Tân Thành đang tiếp tục mở rộng diện tích rau an toàn; thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Hải Phát; kiện toàn 9 Tổ sản xuất rau an toàn tại xã Tân Hải và xã Châu Pha. Đến thời điểm này, Sở NN-PTNT đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn cho 148 hộ trồng rau trên địa bàn huyện. Theo lãnh đạo huyện Tân Thành, địa phương đang từng bước đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ các công trình hạ tầng về thủy lợi, giao thông nông thôn, điện… phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích người dân ứng dụng các kỹ thuật canh tác hiệu quả cao như: xây dựng nhà lưới, trồng rau trên giá thể, thủy canh; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, sơ chế, bảo quản rau an toàn. Bà Dương Thị Thu Sương, cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tân Thành cho biết, mô hình trồng rau an toàn có lợi ích lâu dài về kinh tế cũng như môi trường. Tới đây, Trạm tiếp tục hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật trồng rau hữu cơ sinh học để đưa ra thị trường những nông sản an toàn, góp phần bảo vệ môi trường và hệ sinh thái của địa phương.
BAN TG HND tỉnh (theo VIỆT HÙNG – Báo BRVT)