Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng làm việc với chuyên gia FAO/FFF và IIED |
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Thào Xuân Sùng đánh giá cao kết quả triển khai FFF giai đoạn 1, coi đây không chỉ nguồn lực tài chính mà quan trọng hơn là cách làm, kiến thức trong tăng trưởng xanh, giữ được đa dạng sinh học để phát triển bền vững.
Bà Sophie Grouwels cảm ơn Chủ tịch Thào Xuân Sùng đã tiếp đón, Hội ND các cấp đã tạo điều kiện cho đoàn công tác của FFF. Qua 3 năm triển khai, Chương trình FFF giai đoạn 1 (2015-2018) đã đạt được những kết quả rất tích cực và được chia sẻ với các tổ chức quốc tế trên toàn cầu. Chương trình đã hỗ trợ thiết lập được rất nhiều tổ hợp tác, đến nay đã phát triển thành các HTX, liên kết được các chuỗi giá trị; đồng thời nhiều nơi cũng đã được cấp Chứng nhận quản lý rừng (FSC). Chính quyền tại các địa phương triển khai dự án nhận thấy sự thay đổi tích cực từ các hộ nông dân và đánh giá cao kết quả từ Chương trình.
Bà Sophie cũng giới thiệu với Chủ tịch Chương trình FFF giai đoạn 2 (2019-2022), chương trình FFF toàn cầu được rất nhiều các tổ chức quốc tế tài trợ (hỗ trợ 9 nước, trực tiếp tại 7 quốc gia) nhằm tăng cường bảo vệ rừng và sinh kế của người dân. Giai đoạn 2 có 4 mục tiêu chính gồm: Tăng cường năng lực tổ chức, hỗ trợ liên kết tổ chức Chính phủ và các cơ quan khác; tăng cường các chuỗi giá trị bao gồm các hoạt động thúc đẩy sản xuất kinh doanh và các hoạt động marketting; hỗ trợ các hộ nông dân tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ người nông dân tham gia vào các dịch vụ xã hội và văn hóa. Phương thức hoạt động của giai đoạn 2 là trực tiếp hỗ trợ cho các tổ, Hội Nông dân, lấy “nông dân dạy nông dân”; tiếp tục thực hiện các Hội nghị bàn tròn gồm: Lãnh đạo tổ hợp tác, lãnh đạo các đơn vị kinh doanh tư nhân và các chuyên gia… Giai đoạn 2 cũng tập trung vào việc thúc đẩy sự tham gia và tăng cường vai trò của phụ nữ, giới trẻ và người dân tộc thiểu số.
Ông Duncan Macqueen bày tỏ vui mừng được Chủ tịch Thào Xuân Sùng tiếp đón. Ông giới thiệu với Chủ tịch về kết quả chuyến khảo sát vừa qua của FFF và IIED tại 3 tỉnh Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình cho thấy rừng và trang trại phải là một thể thống nhất; việc tăng thu nhập của người trồng rừng sẽ thúc đẩy việc tái tạo rừng… Khẳng định lâm nghiệp và nông nghiệp là hai vấn đề không thể tách rời để phát triển của thế kỷ 21, ông Duncan giới thiệu với Chủ tịch mô hình mà FFF đã thực hiện, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của hộ nông dân sản xuất nhỏ; trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cần giúp người nông dân trồng đa dạng các loại cây để phát triển trong tương lai; tiếp cận với các nguồn lực tài chính; kết nối những người nông dân với người mua, vì người mua sẵn sàng đầu tư, chế biến sản phẩm. Trong đó, Trung tâm Hỗ trợ nông dân – Hội NDVN có vai trò quan trọng trong mối liên kết giữa Chính phủ, chuyên gia kỹ thuật, các tổ chức tài chính…
Chủ tịch Thào Xuân Sùng đồng tình với 4 mục tiêu và phương thức hoạt động trong giai đoạn 2 của Chương trình FFF. Chủ tịch khẳng định Chính phủ Việt Nam đã ban hành chiến lược chuyển từ tăng trưởng “nâu” sang “xanh”, đòi hỏi nông – lâm kết hợp trên cùng địa bàn, đây cũng là mục tiêu số 1 mà Đại hội VII Hội NDVN hướng tới, trong phạm vi từng thôn, xã.
Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng tặng quà lưu niệm cho bà Sophie Grouwels |
Chủ tịch thông tin với bà Sophie và ông Duncan hết quí I/2019 xuất khẩu lâm sản đã vượt thủy sản. Chủ tịch cũng nhận định vòng tròn “Rừng -> Nước -> Lương thực, thực phẩm” đã được các tổ chức quốc tế nhận định là hoàn toàn chính xác. Hiện Việt Nam chưa tập trung, lồng ghép được các nguồn lực để phát triển theo mô hình này.
Sau buổi làm việc này, Chủ tịch giao cho các ban, đơn vị cùng phối hợp với FFF, cân đối các nguồn lực, trong có có nguồn lực quốc tế, cùng tập trung vào xây dựng mô hình bảo vệ rừng và trang trại trên địa bàn một xã, huyện (nếu nguồn lực FFF 1 tỷ đồng thì các nguồn lực khác là 3 tỷ đồng). Để trong 3 năm tới xây dựng được mô hình phát triển rừng – trang trại theo hướng đa dạng sinh học, phát triển bền vững cho người nông dân.
Cùng với việc lồng ghép các chương trình mục tiêu, các nguồn lực để thực hiện, Chủ tịch đề nghị bà Sophie và ông Duncan giúp Hội xây dựng được mô hình này. Đồng thời, Hội mong muốn cùng với các tổ chức quốc tế tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững, đa dạng sinh học.