Thời gian qua, xu thế biến động đất đai có nguồn gốc đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có chiều hướng tăng cao. Tuy nhiên, công tác quản lý về lĩnh vực đất đai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, không đồng bộ, dẫn đến việc khó giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương đối với các trường hợp biến động đất đai.
Biến động đất đai tăng cao
Theo kết quả đánh giá của Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, những năm gần đây, xu thế biến động sử dụng đất trên địa bàn tỉnh tăng cao. Cụ thể, theo kết quả kiểm kê đất năm 2020, diện tích đất trồng lúa, đất trồng cây lâu năm,… đều có sự chuyển biến tăng, giảm mạnh so với kỳ kiểm kê đất năm 2014.
Trong đó, đối với đất trồng lúa, diện tích tính đến năm 2020 là 11.077ha, giảm 1.801ha so với kỳ kiểm kê năm 2014. Đất trồng lúa được chuyển sang đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm tập trung chủ yếu ở một số khu vực tiếp giáp khu dân cư của thành phố Bà Rịa, huyện Long Điền và của huyện Đất Đỏ.
Bên cạnh đó, do quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ nên nhiều khu, cụm công nghiệp được hình thành, thu hút một lượng lớn người lao động đổ về làm việc và sinh sống trên địa bàn tỉnh khiến cho nhu cầu về nhà ở tăng cao. Để giải bài toán đó, nhiều khu dân cư được hình thành, việc phân lô tách thửa cũng tăng mạnh.
Đối với đất trồng cây lâu năm, diện tích là 78.420ha, tăng 2.557ha so với kỳ kiểm kê đất năm 2014. Nguyên nhân chủ yếu do người dân tự chuyển đổi hình thức canh tác cây trồng từ đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm sang đất trồng cây lâu năm, tình hình diễn ra phổ biến ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố.
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng: Xu thế biến động đất trên địa bàn tỉnh những năm qua phù hợp với tình hình thực tiễn, nhu cầu tất yếu của sự phát triển kinh tế – xã hội, cũng như sự chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thành các khu thâm canh cao, tập trung hơn. Tuy nhiên, việc quản lý đất đai cũng gặp nhiều khó khăn.
Bởi, theo ông Nguyễn Văn Hải, mỗi loại đất lại có chế độ sử dụng khác nhau nên khi chuyển mục đích sử dụng đất lại có những thủ tục khác nhau. Trong đó, có loại đất khi chuyển mục đích sử dụng thì phải xin phép, còn có loại đất chỉ thực hiện đăng ký biến động và đơn vị thực hiện là Văn phòng Đăng ký đất đai, trong khi thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân lại là UBND cấp huyện, dẫn tới việc quản lý không đồng bộ, khó khăn trong giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương đối với trường hợp biến động đất đai.
Ngoài ra, việc chuyển mục đích từ đất trồng lúa sang mục đích khác phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm; đảm bảo điều kiện giao đất, cho thuê đất, lập thủ tục trình các cấp có thẩm quyền… dẫn đến việc chuyển đổi rất chậm, khó khăn. Mặt khác, Luật Đất đai không quy định diện tích tối đa của hộ gia đình, cá nhân được phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở dẫn tới tình trạng lợi dụng quy định chuyển mục đích sử dụng đất để phân lô, bán nền.
Theo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác quỹ đất công trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, cần phải khảo sát đo đạc các khu đất công, xác định ranh giới, mốc giới, lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất và có lộ trình giải quyết tranh chấp, lấn chiếm (nếu có) để làm cơ sở quản lý; bố trí kinh phí để đo đạc, lập bản đồ địa chính, xác định ranh giới, lập hồ sơ kỹ thuật các khu đất công; giải quyết dứt điểm các khu đất còn khiếu nại, tranh chấp, còn tài sản trên đất; đồng thời, rà soát quá trình sử dụng đất, tình hình thực tế diện tích đất công nhưng còn nhiều hộ dân sinh sống, canh tác để có phương án xử lý di dời hoặc sắp xếp bố trí cho phù hợp.
Siết chặt quản lý, sử dụng đất
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Thời gian qua, một số diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được sử dụng hiệu quả, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng mang tính tự phát không theo quy hoạch. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu diễn ra sôi động, nhu cầu giao dịch quyền sử dụng đất tăng đột biến. Để đáp ứng nhu cầu giao dịch này, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng quy định của tỉnh cho phép tách thửa đất nông nghiệp để thực hiện phân lô, tách thửa trái quy định.
Ngoài ra, tại một số địa phương, công tác quản lý đất đai chưa chặt chẽ; không báo cáo kịp thời và có phương án xử lý triệt để, dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng lý do làm đường nội bộ phục vụ sản xuất nông nghiệp, đầu tư để tổ chức thực hiện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, làm kho, nhà chứa phục vụ sản xuất nông nghiệp để thi công hạ tầng, làm đường giao thông trái phép trên đất nông nghiệp, gây lúng túng cho các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ nông nghiệp”; đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai; tích hợp dữ liệu địa chính đối với đất có nguồn gốc từ các nông nghiệp vào cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương.
Cùng với đó, Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành liên quan và các địa phương thực hiện các hoạt động kiểm soát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật đối với đất có nguồn gốc từ các nông nghiệp; đề xuất UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu các giải pháp, chính sách, phương án để xử lý những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất và tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai có nguồn gốc từ đất nông nghiệp tại các địa phương.
Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng sẽ tiếp tục hoàn thành công tác xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai; thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai, nhất là nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý đất đai cấp xã. Đồng thời, Sở TN&MT sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đất đai, đặc biệt là công nghệ quản lý, khai thác bộ bản đồ và hồ sơ địa chính để đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh được chính xác, kịp thời và đạt hiệu quả cao.
Thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với các Sở, ngành, địa phương thực hiện Dự án “Quản lý và khai thác quỹ đất công trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”. Qua rà soát, thống kê cho thấy, tổng diện tích quỹ đất công trên địa bàn tỉnh là hơn 11.104ha. Trong đó, quỹ đất công cấp tỉnh quản lý hơn 738ha; quỹ đất công cấp huyện quản lý hơn 10.365ha. Đến nay, Sở TN&MT đã bàn giao hơn 11.104ha đất công cho các Sở, ngành, địa phương. Đồng thời, Sở đã yêu cầu các địa phương triển khai việc đo đạc, cắm mốc đối với những khu đất chưa có bản đồ hoặc mốc để quản lý; xây dựng phương án khai thác quỹ đất công nhằm phát huy hiệu quả công tác quản lý.
Ban XDH, Theo baotainguyenmoitruong.vn